Một ngày lang thang ở Bạc Liêu, nơi có chàng công tử "đốt tiền nấu trứng" đi vào giai thoại, vườn nhãn cổ, cánh đồng điện gió thoai thoải quay,…
[links()]
Một ngày lang thang ở Bạc Liêu, nơi có chàng công tử “đốt tiền nấu trứng” đi vào giai thoại, vườn nhãn cổ, cánh đồng điện gió thoai thoải quay,… và còn nhiều địa danh khác chưa kịp đến nhưng cũng đủ để hình dung được phần nào vẻ đẹp quyến rũ của mảnh đất sản sinh bài hát “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đó, có những con người chân chất, hiếu khách mà một lần đến rồi sẽ nhớ mãi!
Điện gió- niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. |
Chuông điện thoại reo vang. Bên kia đầu dây, anh bạn thời đại học Nguyễn Trung Kiên hiện đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu nói rất vui: “Bạn đang ở đâu vậy? Ở đó đi nghen, tui tới liền”. Cái bắt tay cùng nụ cười mừng rỡ sau nhiều năm gặp lại, Kiên ngoắt tay lia lịa: “Theo tôi nhé, Bạc Liêu nhiều chỗ tham quan lắm!”
Từ TP Bạc Liêu chạy một đỗi, trên con lộ nhựa thẳng tắp về xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông tìm đến vườn nhãn cổ hơn 100 năm tuổi. Nhãn ở đây trồng ngút ngàn, từ bãi biển Bạc Liêu đến cửa sông Mỹ Thanh. Theo anh Kiên, với địa hình thuận lợi, lưu dân các nơi tìm đến đây hình thành các nghề đánh cá, làm rẫy, trồng nhãn chuyên canh rồi sinh cơ lập nghiệp, định cư lâu dài...
Ven 2 bên đường, xen lẫn những quán bánh xèo nổi tiếng xứ này không khó để bắt gặp những cây nhãn cổ có nhánh sum sê, thân hình gân guốc, vặn vẹo giống như một tác phẩm bonsai tuyệt đẹp. Điều đặc biệt là, ở đây ven biển mặn nên chất lượng nhãn càng ngọt mặn mà hơn bất cứ nơi nào. Sao trên nhiều thân cây gắn tấm bảng nhỏ có đánh số? Anh Kiên giải thích, “số đó là tuổi của cây nhãn”. Đánh giá được giá trị độc đáo của vườn nhãn cổ Bạc Liêu, nhiều năm qua Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch được giao là đơn vị chủ quản, phối hợp sở ngành liên quan thực hiện Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch. Những cây nhãn ngót nghét 100 năm tuổi sẽ được đánh dấu để bảo tồn, chủ vườn được thu hoạch trái nhưng không được chặt phá, hủy hoại cây. Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng đã đến đây thực hiện chuyển giao công nghệ cấy ghép lại gien tốt, đưa nhãn tăng năng suất, kéo dài tuổi thọ và giữ lại nét đặc trưng của cây. Có lẽ là “thổ địa” nên kể về xuất xứ cây nhãn anh Kiên tỏ ra khá rành, còn chuyện bảo tồn xem ra còn dài, dài lắm!
Cây xoài 300 tuổi. |
Trên đường trở ra, anh ghé vào một quán bên đường mua vài chai rượu nhãn “đặc sản Bạc Liêu biếu bạn làm quà”. Anh Kiên cho biết, rượu nhãn ở đây do nông dân tự nghiên cứu làm và “có thương hiệu đàng hoàng à nghe”. Du khách đến đây rất thích và thường mua về làm quà biếu người thân. Với diện tích chỉ hơn 200ha nhưng những vườn nhãn ở đây mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế như có thể làm du lịch, bán trái và hiện còn làm được rượu. Nghĩ cũng hơi tiếc cho vườn nhãn Vĩnh Long đang dần suy kiệt vì bệnh chổi rồng!
Chúng tôi chạy xuyên qua những thửa ruộng cạn nước nứt nẻ, xa xa vẫn trông thấy cánh đồng điện gió thoai thoải cánh quạt quay. Muốn đến cây xoài 300 tuổi, anh Kiên dẫn chúng tôi chạy len lỏi vào con đường đan nhỏ. Quả thật, trước giờ tôi chưa từng thấy cây xoài nào lớn như thế. Gốc xoài to khoảng 6 vòng tay người lớn, cao chừng 15m. Thân cây xù xì đầy vết tích thời gian, tán rất rộng với hàng trăm nhánh lớn nhỏ, đặc biệt lá vẫn rất xanh tốt. Nhiều người tâm linh còn đến đây chiêm bái. Trước đây, tưởng chừng cây xoài sẽ chết do ảnh hưởng của môi trường, nhưng may nhờ được cứu chữa kịp thời nên hiện cây xoài vẫn rất xanh tốt. Anh Kiên cho biết, cây xoài đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, chăm sóc kỹ lưỡng, bởi ngoài ý nghĩa giữ lại nguồn gien quý hiếm, một phần còn là diện mạo của vùng đất Bạc Liêu. Trên đường tìm đến “cánh đồng điện gió”, chúng tôi chợt nghĩ câu chuyện về những loài cây- như nhãn, xoài có “tuổi thọ” cũng đã kéo được du khách về đây.
Đến “cánh đồng điện gió” ở xã Vĩnh Trạch Đông, “cứ theo trụ điện mà đi”. Từ xa xa đã thấy thấp thoáng những cây trụ trắng toanh, với những cánh quạt miệt mài quay, tựa như chong chóng. Để ra được tận “những chiếc chong chóng” này, phải qua hệ thống cầu dẫn nối dài ra biển. Những trụ điện gió sừng sững vài người ôm không xuể, cao hơn 82m, công trình do Công ty TNHH XD- TM- DL Công Lý làm chủ đầu tư được khởi công tháng 9/2010. Sau gần 3 năm xây dựng, giữa năm 2013, Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn 1) với 10 tua bin gió đã chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia.
Cách đó không xa, các công nhân đang hì hục lắp đặt một tổ hợp điện gió mới (giai đoạn 2) gồm 52 tua bin được sản xuất với cấu tạo thép đặc biệt cao 80m, đường kính 4m, nặng trên 200 tấn. Điện gió đang mang đến cho Bạc Liêu luồng sinh khí mới. Tỉnh đang có kế hoạch quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái ngay tại vùng “cánh đồng điện gió”. Tận dụng tốt diện tích mặt nước ven biển, tạo nên sự phát triển hài hòa giữa công- nông nghiệp du lịch và dịch vụ. Điều này được kỳ vọng góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất và thu ngân sách tại địa phương.
Vùng biển sình lầy Vĩnh Trạch Đông hôm qua như lời anh Kiên kể khác những gì chúng tôi thấy hôm nay. Gió nay thành điện để làm công nghiệp hóa và du lịch. Bạc Liêu giờ không còn là “thành phố đi qua” mà du khách một lần đến sẽ lưu dấu và nhớ mãi!
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin