Nhận lời mời về thăm quê của một người bạn ở tận Cà Mau, trong lòng tôi- cô gái sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, miền đất có phần trù phú với vườn cây trái bạt ngàn hết sức ái ngại và lo lắng. Bởi ai mà chưa từng nghe câu "… muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh" của xứ Cà Mau.
[links(left)]
Nhận lời mời về thăm quê của một người bạn ở tận Cà Mau, trong lòng tôi- cô gái sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, miền đất có phần trù phú với vườn cây trái bạt ngàn hết sức ái ngại và lo lắng. Bởi ai mà chưa từng nghe câu “… muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” của xứ Cà Mau.
"Nghe nói Cà Mau xa lắm..." nhưng Cà Mau thật gần với tình người đôn hậu, hiếu khách. |
Trên đường về…
Chúng tôi bắt đầu hành trình gần 200 cây số vào buổi sáng tinh mơ, tiết trời gần vào xuân có phần se lạnh. Hơn 30 phút trên chiếc xe máy, hiển hiện trước mắt tôi là chiếc cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á nối liền đôi bờ sông Hậu. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hiện đại và năng động. Từ cầu Cần Thơ nhìn xuống, mặt nước sông mênh mông, trong xanh phẳng lặng. Dọc hai bên bờ sông, cây cối xanh um che khuất những ngôi nhà chỉ để lộ mái ngói đỏ và một góc nhỏ của TP Cần Thơ với nhà cao tầng cùng nhịp sống tất bật. Bảo sao ai đến đây mà không thốt lên“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về” cho được?
Qua địa phận Cần Thơ là đến Hậu Giang- một tỉnh vừa tách ra từ TP Cần Thơ cũng không kém phần sôi động. Theo lời anh bạn, để đoạn đường về Cà Mau được ngắn đi 60 cây số, chúng tôi rẽ vào Quảng Lộ- Phụng Hiệp. Tuyến đường vừa được nâng cấp có điểm xuất phát từ TX Ngã Bảy (Hậu Giang), lần lượt đi qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và kết thúc tại TP Cà Mau với chiều dài trên 110km. Tôi thật sự ngán ngẫm quãng đường dài đang chờ đón mình, rồi thì thầm hát “nghe nói Cà Mau xa lắm…” một phần là để an ủi bản thân và giết thời gian, một phần là để trêu anh bạn của tôi.
Gần trăm cây số đường trường, bụng bắt đầu đói và người cũng mệt lả, chúng tôi dừng chân ở một quán ven đường. Bữa cơm với canh chua lươn, cá lóc đồng kho tiêu làm chúng tôi khá hài lòng. Theo như lời của bà chủ quán thì tuyến đường này được thông xe từ khoảng sau Tết Nguyên đán 2011. Lúc đầu, do ít ai biết nên đường khá vắng. Gần đây, tuyến đường này người và xe tấp nập. Các dịch vụ “ăn theo” cũng mọc lên ngày càng nhiều: quán cà phê, quán nhậu, cây xăng... Đặc biệt là các hàng cây trái miệt vườn với đủ chủng loại: quýt đường, cam xoàn, bưởi da xanh,… Ghé tạt qua hàng trái cây “mối” của anh bạn mỗi khi về thăm nhà, tôi chọn mua ít trái cây để tỏ lòng thơm thảo của người khách phương xa. Cam xoàn ở đây thuộc hàng nổi tiếng vì hậu ngọt thanh, trái căng tròn, mọng nước.
Ghé tạt qua chợ nổi Ngã Năm nằm trên kinh Quảng Lộ- Phụng Hiệp thuộc thị trấn Ngã Năm. Chợ nổi từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt rất riêng của người dân vùng đồng bằng châu thổ. Từ tờ mờ sáng, hàng trăm ghe xuồng đã tụ về họp chợ, treo những thứ cần bán lên một cái sào gọi là “cây bẹo” để người mua có thể nhìn thấy từ xa. Ở đây, người ta bày bán rất nhiều thứ, từ rau củ quả, trái cây, vật dụng gia đình cho đến hàng công nghệ và các dịch vụ ăn uống. Ngày thường, người ta nhóm chợ từ 4 giờ sáng đến khoảng 9 giờ thì nghỉ, riêng những ngày giáp tết họ bán cả ngày. Thưởng thức tô bún nước lèo với lời mời mọc ngọt ngào giữa không gian tấp nập ghe xuồng, cùng cảm giác bồng bềnh nơi sông nước khiến tôi đi rồi mà lòng vẫn nhớ khôn nguôi.
Xe chạy bon bon trên Quảng Lộ, tôi cứ thả hồn theo những suy nghĩ bâng quơ rồi cái cảm giác chán ngán lúc đầu cũng vơi đi phần nào. Anh bạn tôi đưa tay chỉ phía trước “sắp tới địa phận tỉnh Bạc Liêu rồi”. Qua địa phận Bạc Liêu, chúng tôi được chào đón bởi cơn mưa thấm đẫm. Trú mưa trước mái hiên của căn nhà gần đó, bà cụ khoảng hơn 70 tuổi cần mẫn vá lại cái lưới nói “vào nhà mà ngồi mấy con, ngoài đó lạnh lắm”. Bà mời tôi ngồi ghế và tiếp tục công việc còn dở dang nhưng không quên hỏi han đôi ba câu. Qua lời của bà, vùng này ngày xưa đất đai hoang hóa rộng thênh thang. Từ Kênh số 7, Chợ Hội, Thới Bình qua Phước Trường, Vĩnh Thuận, Kiên Giang rồi hướng lên Phước Long, Bạc Liêu, chó chạy rất nhanh mà còn phải ngáp ngắn ngáp dài không tới, thế nên người dân gọi nơi đây là “Cánh đồng Chó Ngáp”. Từ biệt bà, chúng tôi tiếp tục hành trình khi cơn mưa đã tạnh. Trời lành lạnh không khí có phần khắc khoải. Tôi im lặng, khoảng lặng đủ để tôi thấy sự khác biệt về “Cánh đồng Chó Ngáp” của ngày xưa và bây giờ.
Nằm về phía Tây Bắc huyện Giá Rai là đồng Nọc Nạn, địa danh gắn liền với vụ tranh chấp đất đai giữa chủ điền với tá điền, mà đại diện là gia đình ông Mười Chức dẫn đến đụng độ làm 17 người thiệt mạng vào năm 1928. Về sau, tòa xử gia đình người nông dân thắng kiện. Cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạn tuy không lan rộng thành một phong trào rộng lớn nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo những tên cường hào ác bá, cậy thế thực dân để hòng cướp đất của nông dân lao động. Mặc dù sự kiện đã trải qua hơn 80 năm nhưng cánh đồng Nọc Nạn vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào.
Cà Mau đường đi không khó
Sau hơn 5 giờ lang thang, chúng tôi đã đến TP Cà Mau… “Ôi, đẹp chẳng thua gì Tây Đô”. Nhộn nhịp và phồn hoa đó là tất cả những gì đập vào mắt tôi lúc này. Uống ly cà phê bên bờ hồ trong lòng thành phố, ngắm người qua đường cũng thú vị lắm chứ.
Hải sản Cà Mau. |
Đi nốt 30 cây số còn lại để về huyện Cái Nước, bên đường bán nhiều khoai chuối. Củ có màu hồng nhàn nhạt “một loại khoai cứu đói của lớp người đến khai phá vùng đất này”. Dừng lại mua ít khoai chuối để gợi nhớ về ngày xưa và cũng là để cho tôi biết loại khoai này có mùi vị thế nào. Cô bán khoai độ hơn 40 tuổi, dáng người tròn trịa mời chào “lựa đi con”. Tôi nhấc hết củ này tới củ khác nhưng chẳng biết chọn củ nào, vì hồi nào giờ tôi có thấy củ này đâu mà biết lựa. Đành thú thật với cô chủ hàng: “Con không phải người ở đây, lần đầu con nhìn thấy củ này, cô giúp con được không?” Cô cười đôn hậu: “Hèn gì… Khoai này chọn củ già mới ngon”. Cô cho biết thêm, hồi xưa vùng này nghèo lắm đường sá lầy lội, rừng rậm hoang vu muốn đi chợ không phải dễ, nên dân ở đây trồng củ này để ăn trừ cơm. Ngoài khoai chuối, trên đường còn bán rất nhiều bồn bồn- một loại rau dùng để xào, nấu canh hay làm dưa.
Giống nhiều địa phương khác tại miền Tây, các con sông, rạch ở Cà Mau khá nhỏ nên việc sử dụng tắc ráng len lỏi vào từng ngõ ngách trên sông rạch đã rất thân quen.
Dọc theo bờ sông, cây đước mọc quấn quýt với cây mắm thành rừng xanh mướt. Những cây đước mảnh dẻ, rễ đan chéo lên nhau như những chiếc nơm khổng lồ mọc chi chít cạnh nhau thành những bức tường vững chãi. Tôi từng đọc nhiều câu chuyện về cây đước, cây mắm Cà Mau, đến mùa ba khía hội cũng là lúc trái mắm đen đã chín. Ba khía ăn trái mắm đen nên thịt thơm ngon và gạch chắc, nên có thể nói ba khía mùa kết bạn vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 âm lịch thì cũng là lúc bà con nông dân có vụ thu hoạch được mùa. Cây đước lấn dần ra biển, mở mang bờ cõi và đi cả vào thơ ca: Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay, càng vững thành đồng...
Ở đây, người ta bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng. Cánh đàn ông thư thái nhấp nháp ly trà, phụ nữ thì lui cui bếp núc, quét dọn nhà cửa. Độ 5 giờ 30, chị của anh bạn tôi xách cái thùng đi đổ lú (một loại nông cụ bằng lưới dùng để bắt tôm cua) rủ tôi theo cùng. Cũng là dân miệt sông nước, đi xuồng chèo ghe tôi cũng biết chút ít, ấy vậy mà tôi chẳng biết chống đỡ sao với chiếc xuồng ba lá bằng nhựa, nhỏ xíu chỉ chở được 2 người. Để an toàn, tôi chọn cách bò xuống xuồng “lụm cụm như một bà già” và ngồi yên bất động. Cái lú đầu chỉ có vài con tôm, nó nhảy tanh tách văng cả nước vào mặt tôi. Tôi thích thú nhích lại gần hơn và có vẻ đã làm quen được với chiếc xuồng này. Hôm nay không bội thu cho lắm, chỉ bắt được vài chục con tôm và vài con cua gạch. “Khoảng tháng 2, tháng 3 mỗi lần đổ lú là thấy ham, còn mùa này ít lắm”- chị vừa nói vừa bơi nhanh vào bờ để kịp giao cho lái.
Cua gạch Cà Mau là một đặc sản, nổi tiếng cả nước bởi thịt chắc, gạch béo ngậy. Để tận hưởng được hết cái tinh túy của cua gạch thì tốt nhất và đơn giản nhất vẫn là đem cua đi luộc. Cua chín thịt rất ngọt, gạch đông thành cục béo ngon đến ngây ngất.
Hôm nay, có khách đến nhà nên chị làm bánh khọt. Mọi người xúm xít mỗi người một việc tí xíu là đổ được cả mâm bánh khọt có nhân tôm thịt và đậu xanh. Khi ăn dùng kèm với rau sống, dưa leo, chấm nước mắm chua ngọt. Cả nhà cứ quây quần vừa thưởng thức bánh vừa trò chuyện, không khí đầm ấm làm tăng thêm hương vị cho bánh khọt. Cũng như người dân quê tôi, người Cà Mau rất rộng rãi, chân thành và tình cảm ngay trong cách ứng xử đời thường.
Mới đó mà 2 ngày đã qua đi, chúng tôi quay trở về Vĩnh Long. Điều nuối tiếc duy nhất của tôi là hành trình này không có đủ thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về Cà Mau. Tôi vẫn chưa kịp soi đèn đi bắt ba khía, đi lấy mật ong trong rừng U Minh,… và nghe đờn ca tài tử. Nhưng sự nuối tiếc đó sẽ trở thành động lực để tôi quay lại Cà Mau vào một ngày không xa nữa...
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin