Từ ngày 16/3/2015, giá điện sẽ tăng 7,5%, lên bình quân hơn 1.622 đồng/kWh. Doanh nghiệp (DN) Vĩnh Long đã có bước chuẩn bị gì khi thời điểm điện tăng giá đã gần kề?
Là một DN chuyên sản xuất cống bê tông ly tâm có trụ sở tại xã Thanh Đức (Long Hồ), Công ty Thành Nguyện Vĩnh Long hiện có mức tiêu thụ điện hàng tháng trên dưới 20 triệu đồng.
Giá điện tăng tác động không nhỏ đến nhiều doanh nghiệp. |
Theo ông Bùi Thành Nguyện- Giám đốc công ty, tuy mức tiêu thụ điện của DN không lớn nhưng với việc tăng giá điện 7,5% thì cũng là một việc đáng lưu tâm, bởi nó tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất. Trong khi đó, với dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện tại mà DN đã đầu tư thì hầu như không thể tiết giảm được mức tiêu thụ điện năng.
Ông Vũ Khắc Hưởng- phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long (Khu công nghiệp Hòa Phú) cũng cho biết: Hiện dây chuyền sản xuất gạch không nung của DN tiêu tốn điện năng khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng.
Sắp tới đây, nếu DN đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất cống thì con số này sẽ tăng gấp đôi. Khi giá điện được điều chỉnh tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng theo. Trong khi hầu hết các hợp đồng mà DN đã ký kết với đối tác thì cần đảm bảo ổn định để cạnh tranh.
Thời gian qua, hầu hết các DN sản xuất có sử dụng điện đã áp dụng các biện pháp để tiết kiệm mức tiêu thụ điện năng.
Theo lãnh đạo Công ty Liên doanh Xi măng Việt Hoa (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long), để tiết giảm tối đa lượng điện năng tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo năng suất, thời gian qua, DN đã sử dụng đèn compact để chiếu sáng, dùng thiết bị biến tần, thay đổi các thiết bị đã cũ tiêu hao điện năng lớn sang những thiết bị tiêu thụ điện năng thấp hơn. Tuy nhiên, việc thay thế đồng bộ các thiết bị là rất khó vì chi phí rất cao.
Trong khi các nguyên liệu đầu vào đều tăng thì cộng với việc tăng giá điện sắp tới đây cũng tạo một áp lực lớn đến giá thành sản xuất, ngoài DN chịu ảnh hưởng thì áp lực lên người tiêu dùng cũng sẽ tăng cao.
Giá thành sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh, mở rộng sản xuất vì giá điện tăng kéo theo giá thành sản xuất tăng khiến giá bán tăng theo. Nếu DN có công nghệ tốt hơn, giữ vững giá, chấp nhận mức lãi ít hơn mới tồn tại.
Là một đơn vị thành viên của Công ty TNHH 1TV 622 (thuộc Quân khu 9, Bộ Quốc phòng), Xí nghiệp Xi măng 406 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) có lợi thế trong việc cung ứng sản phẩm cho các công trình thuộc quân khu. Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.\Ông Phan Thanh Hùng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Xi măng 406 cho rằng: Tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp đến DN sản xuất. Đối với DN lớn, công nghệ hiện đại thì cầm cự được riêng những DN nhỏ và vừa thì sẽ rất khó khăn. Hiện hầu hết các khâu sản xuất của Xí nghiệp Xi măng 406 đều có sử dụng điện.
Để tiết kiệm điện phải đảm bảo hệ thống vận hành liên tục, hạn chế khởi động lại máy vì việc làm này sẽ tiêu tốn điện năng rất cao. Bên cạnh, cần hạn chế tối đa việc sử dụng điện mọi lúc mọi nơi, đối với những nơi đảm bảo ánh sáng thì không sử dụng đèn cao áp. Hiện DN đã tiết kiệm điện gần như đến giới hạn cuối cùng và khó có khả năng tiết kiệm điện thêm.
Tiết kiệm điện giúp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhờ đó, nhiều DN đã ổn định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng.
Và nay, giá điện lại tăng đang là bài toán khó trong xây dựng phương án kinh doanh và đòi hỏi DN càng nỗ lực hơn. Bởi đối với một số DN, việc tiết kiệm mức tiêu thụ điện năng cũng như bố trí sản xuất khoa học, hợp lý để giảm chi phí về điện hầu như đã đến giới hạn cuối cùng.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin