Đặt chân đến thăm Khám lớn Vĩnh Long, chúng tôi không khỏi xót xa trước những hình ảnh tái hiện cảnh nhục hình, tra tấn dã man, song cũng rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng quật cường của dân tộc.
(VLO) Đặt chân đến thăm Khám lớn Vĩnh Long, chúng tôi không khỏi xót xa trước những hình ảnh tái hiện cảnh nhục hình, tra tấn dã man, song cũng rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng quật cường của dân tộc.
Khám lớn Vĩnh Long được chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng vào năm 1915 trên diện tích khoảng 4.000 m2.
Nằm trong hệ thống nhà tù, trại giam từ thời thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, di tích Khám lớn Vĩnh Long mang dấu ấn đặc biệt về lịch sử đấu tranh anh dũng vì Tổ quốc vì chính nghĩa của người chiến sĩ cách mạng nơi ngục tù.
Chỉ riêng giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1975, đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên cùng hàng ngàn đồng bào yêu nước ở Vĩnh Long và các tỉnh lân cận bị bắt, giam giữ tại Khám lớn, trong đó nhiều người sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nhiều đồng chí là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, như: đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế, Trịnh Văn Lâu, Hồ Minh Mẫn, Nguyễn Ký Ức, Nguyễn Văn Đời…
Theo lời kể của ông Trịnh Văn Lâu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Khác với nhà tù Côn Đảo, ở Khám lớn địch chỉ đánh đập, tra tấn tù nhân để khai thác cơ sở cách mạng”. Ở đây, người tù chính trị chỉ có hai con đường để lựa chọn: hoặc chống địch đến cùng để bảo vệ lý tưởng hoặc phải bị khuất phục tư tưởng chính trị, thi hành nội quy nhà tù, họ không thể có con đường nào khác để lựa chọn.
Khám lớn là nơi ghi dấu ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần kiên trung, bất khuất của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước từ trước và sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, di tích Khám lớn được Công an Vĩnh Long quản lý và sử dụng. Năm 1994, Công an Vĩnh Long giao một phần di tích Khám lớn cho Bảo tàng Vĩnh Long quản lý, phần còn lại được cải tạo mở rộng thành khu chợ phục vụ dân sinh.
LIỄU- TÂN (thực hiện)
Mặt chính của Khám lớn hướng ra đường Đường 1/5 và mặt hông tiếp giáp đường Nguyễn Văn Nhã (Phường 1- TP Vĩnh Long). |
Phần diện tích Khám lớn hiện được bảo tồn là 1.224,4 m2, gồm các hạng mục: cổng di tích; vọng gác; dãy tường rào bao bọc khu di tích; hành lang phía ngoài khu biệt giam và khu biệt giam. |
Phần diện tích Khám lớn hiện được bảo tồn là 1.224,4 m2, gồm các hạng mục: cổng di tích; vọng gác; dãy tường rào bao bọc khu di tích; hành lang phía ngoài khu biệt giam và khu biệt giam. |
Một số hiện vật được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử- văn hóa Khám lớn, trong đó có tờ giấy khai sinh, ghi rõ địa điểm được sinh là Khám Lớn như bằng chứng cho những tội ác của địch, chúng thẳng tay tù đài những người chiến sĩ yêu nước trong đó có cả phụ nữ mang thai. |
Một căn phòng trong khu biệt giam có 4 câu thơ được viết bằng máu của ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Máu ta tô thắm màu cờ/ Thây ta xây đắp cõi bờ thêm tươi/ Đầu ta dù bị đoạn rơi/ Chí ta sống mãi muôn đời vì dân”; minh chứng cho tấm lòng kiên trung, bất khuất của người chí sĩ cách mạng. |
Bà Đào Thị Biểu xúc động khi đến thăm Di tích Khám lớn. |
Gắn liền với lịch sử đấu tranh rất đỗi bi hùng của dân tộc, ngày 12/1/2022, Khám lớn Vĩnh Long được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin