"Bài báo đến được với công chúng là sự lao động miệt mài của phóng viên. Một mình đọc xong để báo đó thì phí quá nên tôi mở quầy báo nho nhỏ để ai cũng đọc được".
“Bài báo đến được với công chúng là sự lao động miệt mài của phóng viên. Một mình đọc xong để báo đó thì phí quá nên tôi mở quầy báo nho nhỏ để ai cũng đọc được".
Theo Quỳnh Trang (Zing.vn)
Đó là lời chia sẻ của bà Phạm Thị Huyền Dung (72 tuổi, từng là giảng viên môn Triết học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), “thủ thư” của quầy sách báo miễn phí trước cửa số nhà 55 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội). |
Những ngày hè tháng 6 oi ả, người ta đã quen với hình ảnh một bà lão mang kệ sách, báo, niềm nở mời người qua lại đọc. Quầy báo miễn phí ấy đã mở được hơn 4 tháng nay. |
Quầy báo của bà đơn sơ giản dị với một tấm biển ghi chữ: “Kính mời nhân dân đọc sách - báo miễn phí”, bày rất nhiều sách, báo đã cũ nhàu. Nhưng với bà, “cũ người mới ta”. |
Quầy báo mở cửa hàng ngày từ 6h30 sáng đến tận tối muộn. Nhưng thực ra 5h sáng bà đã dậy để dọn dẹp, sắp xếp lại quầy. “Già rồi có ngủ được nhiều đâu”, bà tâm sự. |
Bà còn mua cả kính lão để phục vụ những ông bà già cao tuổi. |
Đối tượng đọc sách báo tại quầy của cụ ngày càng mở rộng, từ những cụ già đến thanh niên, trẻ nhỏ. |
Nhiều người tìm đến đây không chỉ được đọc sách báo miễn phí mà còn được vui vầy bên câu chuyện tuổi già. Từ người lạ thành quen, mỗi ngày đến với quầy báo, những người bạn già không chỉ cập nhật tin tức thời sự mà còn kể cho nhau nghe câu chuyện về gia đình mình, về thời xưa cũ. |
Nhớ lại những ngày đầu mới mở quầy chỉ gồm vài ba tờ báo, mấy quyển sách lại đúng đợt Hà Nội ra quân dẹp vỉa hè nên quầy báo của bà cũng bị ngừng hoạt động. Sau đó nhờ sự kiến nghị của người dân trong tổ với sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người trong nhà, quầy báo của bà lại tiếp tục được mở ra để phục vụ mọi người. |
“Cái quạt này là một chú trong tổ ủng hộ, cái giá kệ này là một anh mãi trên Sơn Tây mang đến rồi mấy cô thu gom giấy vụn đi qua cũng góp mấy quyển truyện…”, bà kể. Bà bảo không có sự giúp đỡ của mọi người thì bà cũng không thể có được quầy báo như bây giờ. |
Bà Phan Thị Quang (Tây Sơn), một độc giả gắn bó với quầy báo từ những ngày đầu tiên, cho biết: “Bản thân tôi và những người khác không có điều kiện để dựng lên một quầy báo như bà Dung. Một phần vì công sức, tiền bạc, một phần vì sự tâm huyết của bà đã bỏ ra là không thể đong đếm được”. |
Bà Dung chia sẻ: “Tôi đưa sách báo cho mọi người đọc miễn phí nhưng thực ra tôi nhận được nhiều hơn. Từ việc mọi người đến đây ngày một đông hơn, được trò chuyện vui vẻ với những người xa lạ nhưng cùng sở thích đến việc nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ. Tuổi già có gì vui hơn ngoài những điều ấy”. |
Bà bảo công nghệ thông tin bây giờ phát triển quá, lấn át văn hóa đọc, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên. Bà hi vọng quầy báo của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào việc khôi phục văn hóa đọc, mọi người có thời gian ngẫm nghĩ sâu hơn về những gì mình đọc. |
Bà Dung cho biết làm công việc này giúp bà thấy vui vẻ trong lòng. Mỗi lần phục vụ mọi người đọc báo miễn phí, nhiều người cảm ơn bà, bà lại cảm ơn lại họ. Bởi theo bà, nếu không có họ bà cũng không có cơ hội được làm việc tốt. |
Câu chuyện dang dở khi cơn mưa chuẩn bị ập đến, bà vội vàng che đậy cho chồng sách báo khỏi bị ướt. “Ngày nào ông trời giở chứng không mở được quầy cũng buồn lắm, lại ra ngóng vào trông”, bà tâm sự. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin