Vũng Tàu là thành phố du lịch đầy sức hút của miền Đông Nam Bộ, với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử cùng khí hậu ôn hoà.
Vũng Tàu là thành phố du lịch đầy sức hút của miền Đông Nam Bộ, với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử cùng khí hậu ôn hoà.
Theo CTV Hà Thành/VOV.VN
Vũng Tàu là thành phố biển trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, du lịch, giao thông vận tải của miền Đông Nam Bộ. Vũng Tàu nguyên là tỉnh lỵ của Bà Rịa – Vũng Tàu (từ năm 2012 tỉnh lỵ chuyển về thành phố Bà Rịa), là một thành phố hiện đại, năng động, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của cả Nam Bộ |
Trong lịch sử, bán đảo Vũng Tàu là vị trí tiền tiêu phía biển án ngữ ngoài cửa biển Cần Giờ, bảo vệ thành Gia Định. Từ thời chúa Nguyễn và các vua Nguyễn sau này đều cho xây dựng các công trình quân sự quốc phòng và pháo đài ở nơi đây. Vào thế kỷ 16, tàu biển của Bồ Đào Nha đã tới Vũng Tàu, tiến hành một số khảo sát. Tới thế kỷ 19, Pháp chiếm Nam Kỳ, xây dựng một số công trình nơi đây và đặt tên vùng đất này là Cap Saint Jacques (Mũi đất Thánh Jacques). Khởi đầu là một số làng chài lưới thời chúa Nguyễn đi mở cõi, ngày nay Vũng Tàu là một trung tâm kinh tế - kỹ thuật (ngành dầu khí) và là trung tâm du lịch biển quan trọng. |
Vũng Tàu có địa mạo là một mũi đất nhô về biển ở phía nam. Địa hình thành phố là một vùng đồng bằng liền kề dưới hai ngọn núi: Núi Lớn (núi Tương Kỳ) cao 245m và núi Nhỏ (núi Tao Phùng) cao 170m. Hai bãi biển dài nhất thành phố là Bãi Trước (ở phía tây) và Bãi Sau (ở phía đông) Cảnh quan Vũng Tàu là sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, biển, rừng núi cùng các kiến trúc đô thị mới và cũ đan xen, với nhiều di tích lịch sử, nhiều công trình đẹp. Ảnh: Núi Lớn nhìn từ Bãi Trước. |
Núi Nhỏ nhô ra biển ở phía Nam. Trên đỉnh núi có tượng chúa Kito Vua nhìn ra biển. |
Mũi đất dưới chân Núi Nhỏ vươn ra biển xa nhất về phía nam là Mũi Nghinh Phong. Nơi đây đón gió mát nhiều nhất và có tầm nhìn ra biển rộng nhất. |
Từ xưa, Vũng Tàu đã là một điểm dừng của nhiều tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông. Từ năm 1870 thời chúa Nguyễn, trên Núi Nhỏ đã có đài chỉ dẫn cho tàu thuyền trên biển. Năm 1911, người Pháp đã xây dựng trên đỉnh Núi Nhỏ một ngọn hải đăng. Công trình có đường kính 3m, chiều cao 18m đặt trên cao độ 170m, bán kính rọi 35 hải lý. Đây là một trong những ngọn hải đăng đầu tiên ở Việt Nam. |
Vũng Tàu có 42km bờ biển bao quanh với nhiều bãi biển đẹp. Trong đó, dài nhất và đẹp nhất là Bãi Sau, hay còn gọi là bãi Thuỳ Vân, nằm ở phía đông thành phố. Đây là bãi tắm luôn đông khách quanh năm bởi khí hậu Vũng Tàu ôn hoà, không có mùa lạnh. |
Bãi Trước, còn được gọi là bãi Tầm Dương do nằm ở phía Tây, có thể ngắm mặt trời lặn trên biển. Nơi đây cũng là bến của những con tàu đánh cá. |
So với nhiều thành phố hiện đại, phát triển, Vũng Tàu có mật độ dân số không cao (3350 người/km2); thành phố có hạ tầng hoàn chỉnh với nhiều con đường đẹp rợp bóng cây và không quá đông đúc, ồn ào. |
Thành phố có nhiều mảng xanh, công viên, không gian đô thị đẹp hài hoà cùng thiên nhiên |
Là vị trí chiến lược quan trọng của Miền Đông, nên trong quá khứ Vũng Tàu có nhiều pháo đài phòng ngự do các vua Nguyễn và sau này là người Pháp xây dựng. Ảnh: Trận địa pháo trên Núi Lớn được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, với những khẩu đại pháo nặng khoảng 15 tấn, với cỡ nòng 240mm. Đây là một trong những bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương. |
Vũng Tàu cũng là miền đất giàu trầm tích văn hoá, với sự giao thoa Đông – Tây. Nơi đây còn nhiều di tích đền đình chùa miếu, nhà thờ công giáo. Ảnh: Tượng Phật Thích Ca ở chùa Thích Ca Phật Đài trên Núi Lớn, được xây dựng từ năm 1963. Tượng cao 11,6m trong có chứa 3 viên ngọc xá lợi Phật. |
Tượng Chúa Kito Vua trên Núi Nhỏ, được khởi dựng từ năm 1974 (khánh thành năm 1994), có chiều cao 32m, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. |
Nhà thờ Vũng Tàu, nằm ở Trung tâm thành phố - một kiến trúc công giáo những lại đậm nét Á Đông, được xây dựng từ năm 1940. |
Nhà thờ Bến Đá nằm ở phía bắc thành phố, một dấu ấn kiến trúc hiện đại, hoàn thành xây dựng năm 2004. |
Đình Thắng Tam, nơi ghi dấu ấn của những lưu dân người Việt xưa đi mở cõi, tới Vũng Tàu sinh sống và thành lập nên làng Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Đình Thắng Tam được sáng lập và xây dựng năm 1820, được các vua triều Nguyễn phong 13 đạo sắc. Trong khuôn viên đình Thắng Tam có lăng Ông Nam Hải chứa cốt và thờ phụng 180 cá Ông Nam Hải (cá voi). Đình đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991. |
Bạch Dinh - một trong những công trình nổi tiếng nhất ở Vũng Tàu. Đây là một dinh thự kiến trúc kiểu châu Âu được xây cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn Núi Lớn. Dinh từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916. Ngày nay, Bạch Dinh là một địa điểm tham quan của du khách khi đến Vũng Tàu. |
Thành phố Vũng Tàu có 16 phường và một xã. Xã duy nhất ở ngoại ô thành phố là xã đảo Long Sơn. Mảnh đất này bị ngăn cách với đất liền bởi con sông Chà Và. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá bè trên sông. Ảnh: Bè cá trên sông ở Long Sơn. |
Công trình kiến trúc - điểm đến nổi tiếng ở Long Sơn là Nhà Lớn Long Sơn, hay còn gọi là nhà thờ Đạo Ông Trần. Nhà Lớn Long Sơn do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) cho khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng đặc sắc, đậm tính nhân văn và bản sắc Việt Nam. |
Hoàng hôn buông trên Bãi Tầm Dương. |
Thành phố Vũng Tàu trong đêm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin