Rộng 1.500 hải lý vuông, có điện, có nước, phương tiện đi lại thuận tiện, hệ sinh thái biển, đảo đa dạng cùng tám ngư trường lớn nhất vịnh Bắc Bộ... đảo Bạch Long Vĩ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngư dân.
Rộng 1.500 hải lý vuông, có điện, có nước, phương tiện đi lại thuận tiện, hệ sinh thái biển, đảo đa dạng cùng tám ngư trường lớn nhất vịnh Bắc Bộ... đảo Bạch Long Vĩ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngư dân. Những đổi thay của hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc trên vịnh Bắc Bộ khiến những ai từng một lần đến đây, không khỏi ngỡ ngàng.
Một góc cảng cá đảo Bạch Long Vĩ. |
Đảo “vô thủy”
Bạch Long Vĩ đảo quê hương!/Em đứng trên Biển Đông. /Thôn xanh Phù Thủy Châu/ Mênh mông sóng bạc đầu./ Gió rì rào năm tháng... Câu hát trong ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương của nhạc sĩ Huy Du cứ lan dài trên biển biếc bao la, trong tiếng sóng vỗ rì rào của buổi chiều đang xuống.
Con tàu Bạch Long của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng tròng trành cập bến âu tàu đảo Bạch Long Vĩ sau quãng đường dài gần mười giờ đồng hồ lênh đênh trên sóng.
Chuyến tàu hôm đó có hai hành khách đặc biệt - hai người dân đã sinh ra và lớn lên ở đảo Bạch Long Vĩ. Đó là bà Dương Ngô Đoài, 75 tuổi, và người con trai Vương Huấn Trúc. Bà Đoài bần thần, xúc động, không cầm được nước mắt khi đặt chân lên đảo. Đã tròn 50 năm rồi, hôm nay, bà mới có dịp trở lại nơi “chôn nhau, cắt rốn”.
Giờ vui chơi của cô và trò lớp mẫu giáo trên đảo Bạch Long Vĩ. |
"Trước mắt tôi như một giấc mơ. Đảo quê tôi đẹp như thế này sao!”, đứng ở cầu tàu một lúc để nén xúc động, ngắm nhìn quê hương, bà Đoài mới lên xe ô-tô của huyện đón về nhà khách. Đảo Bạch Long Vĩ giờ khác xưa nhiều lắm. Từ thế kỷ 19 về trước, do chưa tìm được nguồn nước ngọt, nên người dân gọi đây là đảo “vô thủy”.
uốt thời gian dài, đảo chỉ là nơi tránh gió bão cho bà con ngư dân đi biển. Mãi đến những năm 1920, người ta mới tìm thấy nước ngọt trên đảo và nhiều người dân vùng Quảng Yên (Quảng Ninh) bắt đầu tới đây lập nghiệp, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản.
Bà Đoài vẫn còn nhớ, ngày xưa khổ lắm, thiếu thốn, khó khăn đủ bề; nhà cửa tạm bợ và thấp bé, núp sau những quả đồi để tránh gió, bão; bủa vây bởi sóng gió trùng dương. Gần như mọi nhu yếu phẩm phục vụ người dân trên đảo đều phụ thuộc đất liền.
Mà thời đó, việc đi lại giữa đất liền và đảo thật gian nan, vất vả, gặp kỳ biển động, cả tháng trời không có tàu ra đảo. Thế nên, giữa biển khơi mặn mòi này (ở đây nước biển khá mặn vì nồng độ muối cao - PV), nhưng người dân trên đảo có lúc phải chịu cảnh thiếu... muối ăn.
Có người nảy ra sáng kiến “sản xuất” muối ăn cấp tốc bằng việc... trưng cất nước biển. Nói là trưng cất cho oai, chứ thực ra là đem nước biển đun cho cạn để lấy... muối đọng dưới đáy chảo. Sản phẩm thu về là thứ muối sền sệt, mặn, đắng và chát xít...
Cuối năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền bắc, toàn bộ dân cư của đảo phải sơ tán về đất liền. Bà Đoài còn nhớ, nghèo khó là vậy, nhưng nhân dân không ai muốn rời đảo. Khi đó, bà là đảng viên, là cán bộ phụ nữ đảo, được giao nhiệm vụ cùng bộ đội đi gõ cửa từng nhà, động viên mọi người sơ tán để bảo đảm an toàn.
Gia đình bà cùng cậu con trai Vương Huấn Trúc mới hơn một tuổi lên thuyền đánh cá rời đảo về xã Hiền Hào (huyện đảo Cát Hải), rồi di chuyển về huyện Vĩnh Bảo và sau năm 1975, nước nhà thống nhất, gia đình bà đã vào Đác Lắc lập nghiệp, sinh sống...
“Đảo thanh niên”
Lần này, sau 50 năm hai mẹ con bà Đoài về thăm đảo quê hương, ngỡ ngàng trước bao đổi thay. Bãi đá xưa bọn trẻ hay câu cá, giờ đã là một âu tàu rộng lớn, với bờ kè vững chắc bằng những khối bê-tông hình củ ấu để tản sóng, như vòng tay ôm ấp, chở che cho những con tàu neo đậu trong âu sau những chuyến biển dài ngày.
Gần đó, phía tây đảo, một âu tàu mới đang được xây dựng để đón các tàu cá của bà con ngư dân Hải Phòng và các tỉnh bạn, như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... vươn khơi, đến khai thác hải sản trên ngư trường này ngày càng đông.
Cán bộ Viện Nghiên cứu hải sản nhân giống bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: DUY THÍNH |
Hòn đảo nhỏ giữa biển khơi giờ trông chẳng khác đô thị phố núi là mấy. Những ngôi nhà nhiều tầng được xây dựng san sát ven núi, khu dân cư khang trang với đầy đủ các dịch vụ như trong đất liền. Sáng sáng, người dân đi bộ, tập thể dục trên những con đường bê-tông phẳng, sạch sẽ và các gia đình chạy xe máy chở trẻ nhỏ đến trường.
Buổi tối, ánh điện tỏa sáng khắp đảo, cùng với ánh đèn trên các tàu trong âu cảng khiến Bạch Long Vĩ càng lung linh giữa biển khơi sóng nước. Tiếng nói cười rộn rã trong dãy nhà ở của TNXP - những con người đã mang tuổi trẻ của mình từ đất liền ra xây dựng nên “đảo Thanh Niên” từ hơn 20 năm trước.
Cùng với bà con ngư dân và lực lượng vũ trang trên đảo, đội ngũ TNXP đã trở thành những người trực tiếp viết lên trang sử hào hùng của tuổi trẻ Hải Phòng đi đầu trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những bãi hoang xưa khô cằn, sỏi đá, giờ mọc lên nhiều công trình kỳ vĩ, những cột vi-ba cao vút phủ sóng liên lạc một vùng rộng lớn, cạnh đó là ngọn hải đăng miệt mài chiếu sáng dẫn đường cho tàu bè qua lại.
Nơi điểm cao nhất của đảo còn có lầu Phật, phía sát âu tàu là đền thờ Đức Thánh Trần và chùa Bạch Long thấp thoáng ẩn trong những bóng cây, đón nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái. Trên những bãi cỏ xanh mướt, từng đàn bò, đàn dê nhẩn nha gặm cỏ, cạnh những bụi hoa ngũ sắc, hoa xương rồng và muống biển...
Đảo là quê hương
Dạo qua khu trung tâm huyện lỵ, ngắm dáng phố đương thành hình, với cảnh buôn bán, giao thương tấp nập, sầm uất, đông vui, ông Vũ Văn Luyến, ở khu dân cư TNXP cho hay, gia đình ông ra đảo đã hơn 22 năm và gắn bó với mảnh đất nơi đây như quê nhà.
Gia đình ông Lê Văn Chuyển, quê ở Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) mới ra đảo 11 năm, nhưng đã xây dựng được cơ ngơi khá khang trang. Ban đầu, gia đình ông thuê điểm kinh doanh hoa quả. Dần dà, kinh doanh thuận lợi, điều kiện kinh tế khấm khá, cơ sở kinh doanh của gia đình trở thành “siêu thị” nhỏ cung cấp đủ loại hàng hóa, phục vụ bà con và ngư dân trên đảo. Ông cho hay, điều kiện sinh hoạt giờ đây trên đảo hơn rất nhiều thời gia đình mới ra.
Việc kinh doanh nhờ thế mà phát đạt. Gia đình ông không chỉ gắn bó cuộc sống lâu dài với đảo, mà còn đang ấp ủ nhiều dự định mở mang, phát triển kinh tế. Một trong những dự định đó là cùng bạn bè chung vốn, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước đá cung cấp cho ngư dân, cùng một số thiết bị bảo quản hải sản dài ngày trên đảo.
Dự định đó sẽ nhanh chóng thành hiện thực, khi trên đảo có điện và nguồn nước ngọt ổn định. Bà Đinh Thị Chung ở tổ dân cư số 1 cho biết, gia đình bà cũng từ xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) ra đảo tròn 20 năm. Các con của ông bà đã xây dựng gia đình, cả bốn đứa cháu của bà đều đang theo học tại trường mầm non - tiểu học trên đảo...
Đảo “vô thủy”, đảo hoang xưa đang cựa mình trong gió mới. Hàng loạt công trình làm lực đẩy cho đảo phát triển đã và đang được khởi động. Một hồ nước ngọt có tổng dung tích 60 nghìn m3 cùng hệ thống thủy lợi, bảo đảm đủ cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn huyện đảo, đang được khẩn trương xây dựng. Sẽ không còn cảnh nhà nhà phải tìm mọi chỗ chứa nước khi trời mưa, khổ sở đào giếng và tằn tiện dùng nước trong mùa khô.
Xa đất liền hơn một trăm km, điện lưới quốc gia không ra được đảo, vậy mà từ lâu nay, trên đảo đã sáng bừng ánh điện. Tuy nhiên, việc sử dụng điện còn hạn chế do nguồn cấp bằng máy phát đi-ê-den, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa, từ đầu năm 2016, bà con trên đảo có thể dùng điện lưới khi ngành điện lực tiếp nhận, quản lý vận hành và bổ sung thêm nguồn phát điện trên đảo.
Trước mắt, đảo được đầu tư thêm máy phát đi-ê-den, tiếp theo là điện gió, pin mặt trời... Một tàu chở khách ra đảo cũng đang được đóng mới, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền... Bệnh viện đa khoa cấp huyện trên đảo với những người thầy thuốc tận tâm, đang phát triển hướng tới một bệnh viện quân dân y, với 50 giường bệnh cùng nhiều trang bị đủ sức xử lý nhiều ca bệnh khó...
“Tiếng thế, nhưng đảo vẫn còn khó khăn và nhiều việc phải làm lắm. Để đảo trở thành một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn và từng bước hình thành các hoạt động du lịch biển, lễ hội văn hóa, còn cần sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo; sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương, các bộ, ngành, thành phố, đơn vị liên quan.
Nhất định, trong tương lai, đảo sẽ phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đảo tiền tiêu trên vịnh Bắc Bộ, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...” - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ Đỗ Đức Hòa khẳng định. Bước lên tàu trở về đất liền, trong đoàn chúng tôi, ai cũng quyến luyến như không muốn rời xa.
Đảo vẫn xanh mát, sừng sững đứng đó, hiên ngang giữa biển khơi lộng gió và những ngọn sóng trắng lô xô vây quanh... Con tàu cất lên những hồi còi âm vang rời bến như gửi lại đảo và những con người đang ngày đêm canh giữ, dựng xây đảo quê hương tươi đẹp, những tình cảm mến thương và khâm phục...
Theo http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/27719902-bach-long-vi-dao-que-huong.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin