Em trai tôi vừa qua đời. Em dâu thì đi làm ăn xa, để cháu lại cho người chị ruột nuôi dưỡng. Do hoàn cảnh gia đình bên vợ của em tôi còn khó khăn nên nhìn cháu của mình sống trong sự thiếu thốn, tôi rất xót xa. Mặc dù tôi có hỗ trợ tiền để nuôi cháu nhưng tôi vẫn mong muốn có thể trợ giúp cháu trong cuộc sống, để cháu lớn lên trong môi trường tốt hơn. Vậy, là bác ruột, tôi có thể đề nghị với chính quyền cho tôi làm người giám hộ (NGH) cho cháu, có được không? Việc làm NGH phải có điều kiện như thế nào?
Tr.V.T. (TP Vĩnh Long)
Trả lời: Điều 49 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm NGH:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của NGH.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Nếu anh đủ các điều kiện nêu trên, là bác ruột của cháu, anh có thể đăng ký làm NGH cho cháu khi thuộc trường hợp được quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự về NGH đương nhiên của người chưa thành niên. Theo điều luật này, NGH đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là NGH; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm NGH thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là NGH, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm NGH.
2. Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là NGH hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm NGH.
3. Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là NGH.
HT tư vấn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin