Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống thì có quyền yêu cầu tòa án hạn chế phân chia

09:07, 19/07/2024

Vợ chồng tôi kết hôn cách đây 5 năm và có 1 con chung. Lúc cưới nhau, chồng tôi đã có nhà riêng, anh ấy đứng tên quyền sở hữu. Thấy vậy, tôi cũng không quan tâm và yên tâm cùng anh chung sống dưới mái nhà này.

 

Vợ chồng tôi kết hôn cách đây 5 năm và có 1 con chung. Lúc cưới nhau, chồng tôi đã có nhà riêng, anh ấy đứng tên quyền sở hữu. Thấy vậy, tôi cũng không quan tâm và yên tâm cùng anh chung sống dưới mái nhà này.

Hàng tháng, chúng tôi cho thuê căn nhà phía trước để chi phí cho gia đình. Lúc sinh con, sức khỏe con không tốt hay đau ốm nên tôi không đi làm nữa ở nhà chăm con, hiện tại tôi không có việc làm. Hơn nữa, trước khi mất do chồng tôi bệnh nan y, việc chạy chữa cho anh ấy rất nhiều tiền, hiện nay tôi còn phải lo 1 khoản nợ của người thân cho mượn. Trong khi đó, gia đình chồng tôi có ý muốn tôi chia thừa kế căn nhà để ba mẹ chồng tôi có tiền sinh sống lúc tuổi già. Điều này, tôi cũng đồng ý nhưng trước mắt với nhiều khó khăn như thế, lại bán căn nhà đi, tôi không biết phải ở đâu và xoay xở nợ nần như thế nào. Vậy, với hoàn cảnh này có thể xin khoan chia thừa kế di sản của chồng tôi là căn nhà tôi đang ở không? Và trong bao lâu, tôi phải thực hiện việc chia thừa kế nêu trên?

N.T.H. (Tiền Giang)

Trả lời:

Nếu hoàn cảnh hiện tại của chị quá khó khăn, việc phân chia di sản là căn nhà chị đang ở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hai mẹ con chị theo đúng các điều kiện quy định sau đây của pháp luật, chị có thể yêu cầu hạn chế việc phân chia di sản. Theo khoản 3, Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình: Trong trường hợp việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 661 Bộ luật Dân sự quy định việc hạn chế phân chia di sản như sau: Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm.

Điều 5 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn việc hạn chế phân chia di sản của vợ, chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết như sau: Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3, Điều 66 của Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất...

HT tư vấn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh