Có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản người vắng mặt

05:05, 30/05/2024

Anh trai tôi đi làm ăn xa. Trong quá trình đi làm anh cũng sắm được một số tài sản, và bạn gái anh đang quản lý. Gia đình anh cũng biết điều này. Hơn 3 tháng qua, anh không về nhà, gia đình cũng không liên lạc được, chỉ nghe bạn bè nói anh hùn với ai đó nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau.

(VLO) Anh trai tôi đi làm ăn xa. Trong quá trình đi làm anh cũng sắm được một số tài sản, và bạn gái anh đang quản lý. Gia đình anh cũng biết điều này. Hơn 3 tháng qua, anh không về nhà, gia đình cũng không liên lạc được, chỉ nghe bạn bè nói anh hùn với ai đó nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau. Hỏi bạn gái của anh, cô này nói hai người đã chia tay. Cùng với việc tìm kiếm anh, đại diện gia đình tôi đề nghị cô ấy trao lại tài sản anh nhờ quản lý, nhưng cô ấy nói đợi anh về, cô sẽ giao lại. Trường hợp này, gia đình tôi phải làm sao?

N.T.K. (TP Cần Thơ)

Trả lời: Bây giờ, gia đình chị tiếp tục tìm kiếm để biết anh của chị ở đâu, nếu quá 6 tháng kể từ ngày không liên lạc được với anh, gia đình chị có thể yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó theo Điều 64 Bộ luật Dân sự.

Điều luật này như sau: Khi một người biệt tích 6 tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của bộ luật này, như sau:

1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:

a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;

b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý;

2. Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 điều này thì tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

HT tư vấn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh