Được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm

09:04, 24/04/2024

Tôi có người bạn cần vốn kinh doanh nên đề nghị tôi nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu sau thời gian cam kết, người này không có khả năng thanh toán tiền vay, tôi sẽ nhận luôn thửa đất mà anh ấy đã thế chấp giấy cho tôi thì có được không?

Tôi có người bạn cần vốn kinh doanh nên đề nghị tôi nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu sau thời gian cam kết, người này không có khả năng thanh toán tiền vay, tôi sẽ nhận luôn thửa đất mà anh ấy đã thế chấp giấy cho tôi thì có được không?

L.V.H. (Mang Thít)

Trả lời:

Nếu muốn thực hiện điều trên, khi làm giấy tờ nhận thế chấp tài sản, anh là bên nhận thế chấp và bên thế chấp phải có thỏa thuận trước. Bên nhận thế chấp có thể nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, là 1 trong những phương thức xử lý tài sản thế chấp được quy định tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự (BLDS). Theo điều luật này, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

Để thực hiện phương thức trên, khoản 1, Điều 305 BLDS quy định: Bên nhận bảo đảm được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm.

Theo đó, khoản 2 điều luật trên quy định: Trường hợp không có thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 điều này thì bên nhận bảo đảm chỉ được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản.

Xin lưu ý với anh, khoản 3 điều luật trên còn có quy định: Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm; trường hợp giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

Và điều anh có thể yên tâm là theo khoản 4 điều luật trên: Bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật.

HT tư vấn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh