Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc

11:03, 12/03/2024

Ông nội tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tuy ông đi lại khó khăn nhưng đầu óc ông còn minh mẫn. Ông đã thảo xong bản di chúc chia tài sản cho ba tôi và các cô, chú. Ông kêu tôi mang đi công chứng, để tránh phiền phức nên chuyện này chỉ có ông và tôi biết. Tôi mang di chúc của ông đi công chứng rồi về giao lại cho ông cất giữ, nơi cất giữ cũng chỉ có tôi biết mà thôi. Như vậy có được không?

 

Ông nội tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tuy ông đi lại khó khăn nhưng đầu óc ông còn minh mẫn. Ông đã thảo xong bản di chúc chia tài sản cho ba tôi và các cô, chú. Ông kêu tôi mang đi công chứng, để tránh phiền phức nên chuyện này chỉ có ông và tôi biết. Tôi mang di chúc của ông đi công chứng rồi về giao lại cho ông cất giữ, nơi cất giữ cũng chỉ có tôi biết mà thôi. Như vậy có được không?

N.V.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Anh T. thân mến! Theo như anh trình bày, ông của anh năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, đây là một trong những điều kiện để được xem di chúc của ông là hợp pháp. Theo khoản 1, Điều 630 Bộ luật Dân sự, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Nếu ông của anh muốn công chứng di chúc thì ông phải trực tiếp đến văn phòng công chứng, vì theo khoản 1, Điều 56 Luật Công chứng: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Bên cạnh đó, theo khoản 1, Điều 44 Luật Công chứng: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. Đó là, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Nếu như thấy bất tiện về việc công chứng di chúc, khi viết di chúc, ông của anh có thể lựa chọn các hình thức theo Điều 628 Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Xin lưu ý với anh, theo khoản 4, Điều 630 Bộ luật Dân sự: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này (như đã nêu trên).

HT tư vấn

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh