Khi người đại diện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện

04:03, 21/03/2024

Tôi có giao dịch với một chủ cửa hàng. Cách đây 1 tháng, người này bệnh nên ủy quyền cho một người bạn đại diện đứng ra giao dịch với tôi và một số đơn vị khác. Cách nay 1 tuần, tôi phát hiện trong hóa đơn giao dịch có một số mặt hàng phát sinh mới mà từ trước đến nay người chủ cửa hàng nói trên không hề mua. 

Tôi có giao dịch với một chủ cửa hàng. Cách đây 1 tháng, người này bệnh nên ủy quyền cho một người bạn đại diện đứng ra giao dịch với tôi và một số đơn vị khác. Cách nay 1 tuần, tôi phát hiện trong hóa đơn giao dịch có một số mặt hàng phát sinh mới mà từ trước đến nay người chủ cửa hàng nói trên không hề mua. Qua dọ hỏi, tôi biết người chủ cũng không có ủy quyền cho người đại diện đặt các mặt hàng này. Tôi chưa nói ra điều này với người chủ và cả người đại diện, để tìm cách giải quyết sao cho đúng. Vậy, trường hợp này tôi giải quyết như thế nào?

L.V.T. (Tiền Giang)

Trả lời:

Anh T. thân mến! Theo khoản 1, Điều 143 Bộ luật Dân sự, hậu quả của giao dịch dân sự (GDDS) do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện trường hợp anh nêu được quy định như sau: GDDS do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện GDDS với mình vượt quá phạm vi đại diện.

Nếu việc vượt quá phạm vi đại diện anh nêu không thuộc 1 trong 3 trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo khoản 2 điều luật trên như sau: Trường hợp GDDS do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

Bên cạnh đó, khoản 3 và 4 điều luật trên quy định: Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ GDDS đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ GDDS và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 điều này.

Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện GDDS vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

HT tư vấn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh