Các con tôi mỗi đứa một tính nết, do nhà đông anh em nên chúng thường hay xảy ra một số mâu thuẫn. Trước tình hình này, nhân lúc còn mạnh khỏe, tôi bàn với vợ thôi cùng âm thầm viết sẵn di chúc phân chia tài sản để sau này các con tôi căn cứ vào di chúc thực hiện.
Các con tôi mỗi đứa một tính nết, do nhà đông anh em nên chúng thường hay xảy ra một số mâu thuẫn. Trước tình hình này, nhân lúc còn mạnh khỏe, tôi bàn với vợ thôi cùng âm thầm viết sẵn di chúc phân chia tài sản để sau này các con tôi căn cứ vào di chúc thực hiện.
Nhưng tôi không muốn để di chúc ở nhà và cũng chưa biết phải gửi ai cất giữ dùm. Tôi có thể gửi di chúc nơi nào cho yên tâm không? Nếu gửi, khi cả hai vợ chồng tôi có mệnh hệ gì, di chúc này sẽ được triển khai đến các con tôi như thế nào?
L.V.B. (Long Hồ)
Trả lời:
Anh B. thân mến! Khoản 1, Điều 641 Bộ luật Dân sự quy định: Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc. Như vậy, nếu không có người nào để gửi giữ bản di chúc, khi công chứng di chúc, anh có thể gửi bản di chúc tại văn phòng công chứng lưu giữ.
Khi gửi bản di chúc tại văn phòng công chứng, anh có thể yên tâm. Theo khoản 2 và 3 điều luật trên: Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của bộ luật này và pháp luật về công chứng. Trong đó, người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:
a) Giữ bí mật nội dung di chúc;
b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.
Điều 60 Luật Công chứng quy định việc nhận lưu giữ di chúc
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.
2. Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.
3. Việc công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
HT tư vấn