Tôi có căn nhà của ba mẹ để lại, trước đây vợ chồng em tôi ở. Nay, vì điều kiện làm ăn nên vợ chồng em tôi chuyển về TP Hồ Chí Minh, căn nhà giao cho tôi quản lý, sử dụng (nhưng không được bán).
Tôi có căn nhà của ba mẹ để lại, trước đây vợ chồng em tôi ở. Nay, vì điều kiện làm ăn nên vợ chồng em tôi chuyển về TP Hồ Chí Minh, căn nhà giao cho tôi quản lý, sử dụng (nhưng không được bán).
Hiện tại, tôi cũng có nhà để ở, căn nhà nói trên xem như không có người ở. Thấy vậy, một người bà con có hỏi cho con của họ ở nhờ để đi học và đi làm một thời gian. Em tôi thì cũng đồng ý cho người này ở nhờ, vì sợ nhà không người ở cũng mau hư hỏng. Nhưng tôi còn đắn đo vì việc cho ở nhờ đôi khi có những rắc rối về sau, mà không cho ở sẽ bị giận hờn, mất tình cảm người thân. Vậy, trường hợp này, tôi phải tính sao nếu cho ở nhờ theo đề nghị nói trên?
L.T.L. (TP Vĩnh Long)
Trả lời:
Chị T.L. thân mến! Mặc dù nhà được cho ở nhờ nhưng chủ sở hữu nhà và bên ở nhờ vẫn phải lập hợp đồng. Có như vậy, chị sẽ yên tâm hơn. Theo khoản 1, Điều 120 Luật Nhà ở: Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (gọi chung là hợp đồng về nhà ở) có các nội dung quy định tại Điều 121 của luật này.
Điều 121 Luật Nhà ở quy định hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Trong đó, trường hợp nhà cho ở nhờ trường hợp chị hỏi có thể bao gồm các nội dung sau đây: họ và tên của cá nhân, tên và địa chỉ của các bên (khoản 1); mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó (khoản 2); thời gian giao nhận nhà ở; cho ở nhờ (khoản 5); quyền và nghĩa vụ của các bên (khoản 6); cam kết của các bên (khoản 7); các thỏa thuận khác (khoản 8); thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (khoản 9); ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng (khoản 10); chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên (khoản 11).
Xin lưu ý với chị, theo khoản 1, Điều 119 Luật Nhà ở, bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của luật này và pháp luật về dân sự.
b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự.
Theo điểm a, khoản 2 điều luật trên, bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây: nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
HT tư vấn