Tôi dự định nhận nuôi con nuôi, vì vợ chồng tôi hiếm muộn con. Nhưng tôi còn đắn đo vì nghe nói trong quá trình nuôi dưỡng con, vợ chồng tôi phải cho con biết về gia đình ruột của con và phải thường xuyên thông báo tình hình của con với gia đình ruột của con. Nếu như vậy, sẽ rất phiền phức về sau. Xin cho hỏi có đúng như vậy không?
Tôi dự định nhận nuôi con nuôi, vì vợ chồng tôi hiếm muộn con. Nhưng tôi còn đắn đo vì nghe nói trong quá trình nuôi dưỡng con, vợ chồng tôi phải cho con biết về gia đình ruột của con và phải thường xuyên thông báo tình hình của con với gia đình ruột của con. Nếu như vậy, sẽ rất phiền phức về sau. Xin cho hỏi có đúng như vậy không?
L.T.L. (Tiền Giang)
Trả lời:
Chị T.L. thân mến! Mặc dù tại khoản 1, Điều 11 Luật Nuôi con nuôi có quy định: Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình. Nhưng việc chị nghe nói là không đúng. Nếu có nhận con nuôi, anh chị không phải có trách nhiệm thông báo tình hình của con nuôi với gia đình ruột của con. Bởi, Điều 23 Luật Nuôi con nuôi quy định việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi như sau:
1. 6 tháng 1 lần trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng.
2. UBND cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó, anh chị cũng có thể yên tâm khi nhận nuôi con nuôi. Theo khoản 1, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, hệ quả của việc nuôi con nuôi được quy định: Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 4 điều luật trên còn có quy định: Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
HT tư vấn