Vợ tôi mất đã lâu, một mình tôi ở vậy nuôi 3 đứa con khôn lớn, nay các con đều lập gia đình. Trong quá trình nỗ lực vì các con, tôi cũng mua sắm được một số đất đai, nhà cửa. Nay, tôi đã gần 70 tuổi, tôi muốn viết di chúc để lại cho các con sau này.
Vợ tôi mất đã lâu, một mình tôi ở vậy nuôi 3 đứa con khôn lớn, nay các con đều lập gia đình. Trong quá trình nỗ lực vì các con, tôi cũng mua sắm được một số đất đai, nhà cửa. Nay, tôi đã gần 70 tuổi, tôi muốn viết di chúc để lại cho các con sau này. Di chúc tôi viết xong, có cần người làm chứng không? Nếu cần thì ai có thể làm người làm chứng?
H.V.G. (TP Vĩnh Long)
Trả lời:
Ông G. thân mến! Để lựa chọn hình thức văn bản di chúc nào thuận tiện cho ông và phù hợp quy định của pháp luật, ông có thể tham khảo các quy định sau đây: Theo Điều 627 Bộ luật Dân sự, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Theo đó, Điều 628 Bộ luật Dân sự quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Để một trong các loại di chúc nói trên được xem là hợp pháp phải có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 630 Bộ luật Dân sự, đó là:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Theo khoản 4 điều luật trên: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này.
Trong trường hợp này, ông không cần quan tâm đến việc di chúc miệng. Bởi, theo khoản 1, Điều 629 Bộ luật Dân sự, di chúc miệng chỉ được thực hiện đối với trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Về người làm chứng cho việc lập di chúc, theo Điều 632 Bộ luật Dân sự, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
HT tư vấn