Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

12:09, 22/09/2023

Tôi có đứa cháu mới hơn 13 tuổi. Mẹ cháu mất vì bệnh hiểm nghèo, cha cháu đã bỏ mẹ con cháu từ rất lâu, nay không biết ở đâu! Cháu có anh trai vừa lập gia đình đã dọn ra ở riêng. 

Tôi có đứa cháu mới hơn 13 tuổi. Mẹ cháu mất vì bệnh hiểm nghèo, cha cháu đã bỏ mẹ con cháu từ rất lâu, nay không biết ở đâu! Cháu có anh trai vừa lập gia đình đã dọn ra ở riêng.

Để cho cháu thuận lợi trong việc học tập và sinh hoạt, gia đình tôi biết cháu cần phải có người làm giám hộ. Nhưng khi nói đến vấn đề này thì vợ của anh cháu không vui lòng. Vậy, anh cháu nhất định phải làm giám hộ cho cháu hay có thể đề nghị những ai sẽ là người làm giám hộ cho cháu?

L.T.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Chị T. thân mến! Việc cần người làm giám hộ cho cháu của chị trong trường hợp này là cần thiết. Theo quy định tại khoản 1, Điều 47 Bộ luật Dân sự, người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều 52 Bộ luật Dân sự quy định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Xin lưu ý với chị, theo khoản 2, Điều 47 Bộ luật Dân sự nêu trên: Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

HT tư vấn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh