Năm nay, tôi cũng lớn tuổi, không lập gia đình nên dự định nhận đứa cháu 10 tuổi làm con nuôi. Tôi là cô ruột, việc nhận nuôi cháu chỉ công bố cho gia đình, người thân biết mà thôi, tôi không dự định làm thủ tục.
Năm nay, tôi cũng lớn tuổi, không lập gia đình nên dự định nhận đứa cháu 10 tuổi làm con nuôi. Tôi là cô ruột, việc nhận nuôi cháu chỉ công bố cho gia đình, người thân biết mà thôi, tôi không dự định làm thủ tục. Nhưng, suy nghĩ lại tôi khá băn khoăn, không biết như vậy sau này việc tôi nhận cháu làm con nuôi có được công nhận để làm các thủ tục khác có liên quan khi cần thiết không?
N.T.T.N. (Long Hồ)
Trả lời:
Chị N. thân mến! Điều chị băn khoăn là đúng. Nếu muốn chính thức nhận cháu làm con nuôi thì chị phải thực hiện thủ tục đăng ký việc nuôi con tại UBND xã (hoặc phường). Vì theo khoản 3, Điều 3 Luật Nuôi con nuôi: Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Trường hợp này, cháu của chị hiện nay mới 10 tuổi, còn trong độ tuổi của người được nhận làm con nuôi nên chị có thể nhận cháu làm con nuôi. Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi gồm:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Theo khoản 1, Điều 9 Luật Nuôi con nuôi: UBND xã, phường, thị trấn, nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Và, theo khoản 1, Điều 22 Luật Nuôi con nuôi: Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của luật này thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của luật này.
Theo khoản 1, Điều 21 nói trên: Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
HT tư vấn