Bà nội tôi mất cách đây 5 năm. Riêng ông nội tôi trước khi chết khoảng 3 năm, ông có viết di chúc chia tài sản cho ba và các chú, bác của tôi.
(VLO) Bà nội tôi mất cách đây 5 năm. Riêng ông nội tôi trước khi chết khoảng 3 năm, ông có viết di chúc chia tài sản cho ba và các chú, bác của tôi.
Nhưng sau khi ông viết di chúc một thời gian, ba tôi bất ngờ bị đột quỵ qua đời. Thời điểm này, gia đình tôi, kể cả ông nội cũng không nghĩ gì đến di chúc của ông. 2 năm sau (kể từ khi ba tôi mất) ông tôi cũng bệnh và qua đời.
Gần đây, khi cúng 100 ngày ông mất, các chú, bác của tôi bàn việc chia thừa kế di chúc của ông. Nhưng đối với phần ông di chúc cho ba tôi, có người nói là ba tôi không còn thì chia tiếp cho những người còn lại. Trường hợp này, tôi là con một của ba, tôi có được hưởng phần do ông nội di chúc cho ba tôi không?
H.V.B. (TP Vĩnh Long)
Trả lời: Anh B. thân mến! Điều 613 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo khoản 1, Điều 643 BLDS: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di chúc chết). Do vậy, chú, bác anh bàn việc chia thừa kế theo di chúc của ông nội anh là đúng.
Điều đáng lưu ý là theo điểm a, khoản 2, điều luật trên, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
Căn cứ quy định trên cho thấy, ba anh đã mất trước ông nội anh 2 năm nên phần di chúc của ông để lại di sản cho ba anh không có hiệu lực. Vì vậy, dù là con một của ba anh nhưng anh vẫn không được hưởng thừa kế phần này.
Tuy nhiên, theo điểm c, khoản 2, Điều 650 BLDS, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Hiện tại, bà nội của anh đã mất, thì những người thừa kế theo pháp luật được hưởng phần di sản của ông nội anh (di chúc cho ba anh không còn hiệu lực nêu trên) bao gồm những người con của ông (là hàng thừa kế thứ nhất). Theo quy định thì những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.
Trường hợp này, anh là con một của ba anh và nếu đủ điều kiện của người được hưởng di sản thừa kế, anh sẽ là người thừa kế thế vị theo Điều 652 BLDS. Điều luật này như sau: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
HT tư vấn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin