Bạn tôi có một cơ sở sản xuất. Trước đây, bạn ấy có cho người quen mượn một số tiền nhưng lâu rồi không trả. Gần đây, người mượn nói rằng họ sẽ cho con của họ đến làm thuê để trừ dần tiền còn thiếu chưa trả được.
(VLO) Bạn tôi có một cơ sở sản xuất. Trước đây, bạn ấy có cho người quen mượn một số tiền nhưng lâu rồi không trả. Gần đây, người mượn nói rằng họ sẽ cho con của họ đến làm thuê để trừ dần tiền còn thiếu chưa trả được. Tôi thấy điều này có gì đó không ổn nên can ngăn, điều này làm bạn ấy băn khoăn chưa nhận lời đề nghị nói trên. Xin cho hỏi, nếu bạn tôi thực hiện việc thuê mướn lao động để trừ nợ, có được không?
N.T.X. (Tiền Giang)
Trả lời: Chị X. thân mến! Điều chị và bạn chị còn băn khoăn chưa thực hiện là đúng. Bạn chị nên yêu cầu người thiếu nợ đi làm việc, lao động ở nơi khác lấy tiền để trả lại số tiền đã mượn, không nên để con của họ đến cơ sở của bạn chị lao động trừ nợ. Bởi lẽ, đây là một trong những điều pháp luật không cho phép.
Trong trường hợp này, bạn của chị được xem như người sử dụng lao động. Khoản 2, Điều 3 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, HTX, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Theo Điều 17 Bộ luật Lao động, khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được:
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
HT tư vấn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin