Người quản lý di sản không được bán, trao đổi, tặng cho, thế chấp di sản

05:04, 21/04/2023

Gia đình tôi có tất cả 3 anh em. Do tôi là con giữa và đứa em út ở xa nên ba mẹ tôi trước đây sống cùng anh hai của tôi. Hàng tháng, anh em tôi có gửi tiền về phụ anh phụng dưỡng ba mẹ. Nay, ba mẹ đều qua đời, đất đai và tài sản của ba mẹ để lại khá nhiều nhưng ba mẹ tôi không để lại di chúc.

(VLO) Gia đình tôi có tất cả 3 anh em. Do tôi là con giữa và đứa em út ở xa nên ba mẹ tôi trước đây sống cùng anh hai của tôi. Hàng tháng, anh em tôi có gửi tiền về phụ anh phụng dưỡng ba mẹ. Nay, ba mẹ đều qua đời, đất đai và tài sản của ba mẹ để lại khá nhiều nhưng ba mẹ tôi không để lại di chúc.

Hiện tại, tôi và em út chưa về được để bàn với anh hai việc chia thừa kế. Trong thời gian này, chúng tôi phải làm sao để quản lý những gì ba mẹ để lại đến khi chia thừa kế, vì thấy anh chị có ý định bán bớt tài sản của ba mẹ để lại?

L.T.H. (Tiền Giang)

Trả lời: Anh H. thân mến! Ba mẹ anh qua đời không để lại di chúc, di sản của ba mẹ anh sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự (BLDS) hàng thừa kế theo pháp luật thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Theo khoản 2 điều luật này, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Nhưng hiện tại, vì anh em của anh chưa có điều kiện để về chia thừa kế, để yên tâm thì anh và em của anh có thể cử người quản lý di sản hoặc giao cho anh hai của anh là người đang quản lý di sản của ba mẹ tiếp tục quản lý phần di sản này. Theo Điều 616 BLDS:

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

Nếu giao cho anh hai của anh tiếp tục quản lý di sản, anh và em út có thể yên tâm, vì theo khoản 2, Điều 617 BLDS, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2, Điều 616 của bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

Tuy nhiên, xin lưu ý với anh, theo khoản 2, Điều 618 BLDS, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2, Điều 616 của bộ luật này có quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

HT tư vấn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh