Cha dượng, mẹ kế cũng là thành viên gia đình

05:01, 10/01/2023

Ba mẹ em ly hôn. Sau đó, mẹ em có chồng khác. Sau khi đăng ký kết hôn với mẹ em, cha dượng dọn về sống chung nhà với mẹ con em gần 2 năm nay. Trường hợp này, cha dượng của em có được xem là thành viên của gia đình hay không?

(VLO) Ba mẹ em ly hôn. Sau đó, mẹ em có chồng khác. Sau khi đăng ký kết hôn với mẹ em, cha dượng dọn về sống chung nhà với mẹ con em gần 2 năm nay. Trường hợp này, cha dượng của em có được xem là thành viên của gia đình hay không?

L.V.D. (Long Hồ)

Trả lời: Mẹ em và cha dượng đã đăng ký kết hôn và cha dượng đã về sống chung với mẹ con em thì cha dượng của em được xem là thành viên của gia đình.

Theo khoản 16, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình: Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

Theo đó, Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định quyền, nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng như sau:

1. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các Điều 69 (về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ), 71 (về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng) và 72 (về nghĩa vụ và quyền giáo dục con) của luật này.

2. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 (quyền và nghĩa vụ của con) và Điều 71 của luật này.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh