Ba mẹ tôi đều qua đời. Trước khi mất, ba tôi có viết di chúc. Trong di chúc ba tôi ghi khá chung chung nên anh em chúng tôi thống nhất chỉ trừ căn nhà giao cho đứa em út đang ở, còn lại đất ruộng, vườn chia đều cho tất cả anh em. Như vậy có được không?
(VLO) Ba mẹ tôi đều qua đời. Trước khi mất, ba tôi có viết di chúc. Trong di chúc ba tôi ghi khá chung chung nên anh em chúng tôi thống nhất chỉ trừ căn nhà giao cho đứa em út đang ở, còn lại đất ruộng, vườn chia đều cho tất cả anh em. Như vậy có được không?
L.V.B. (TP Bến Tre)
Trả lời: Khoản 1 Điều 659 Bộ luật Dân sự quy định: Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Căn cứ điều luật này, dự định của anh em anh về việc chia thừa kế có thể thực hiện được.
Khoản 2 Điều 656 Bộ luật Dân sự thì mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Văn bản này cần công chứng. Bởi, theo khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Khoản 2 Điều 57 Luật Công chứng còn có quy định: Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Và trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
Theo khoản 4 điều luật trên: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Luật sư TRẦN VĂN SỸ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin