Vợ tôi vừa qua đời bất ngờ vì đột quỵ. Nhân lúc còn mạnh khỏe, tôi muốn viết di chúc để lại cho các con. Để không xảy ra nghi vấn gì về sau, tôi muốn nhờ 2 người ký làm chứng về việc lập di chúc, trong đó có một người đứa là con trai trưởng của tôi và một người là em ruột của tôi, có được không?
(VLO) Vợ tôi vừa qua đời bất ngờ vì đột quỵ. Nhân lúc còn mạnh khỏe, tôi muốn viết di chúc để lại cho các con. Để không xảy ra nghi vấn gì về sau, tôi muốn nhờ 2 người ký làm chứng về việc lập di chúc, trong đó có một người đứa là con trai trưởng của tôi và một người là em ruột của tôi, có được không?
L.V.M. (Mỹ Tho- Tiền Giang)
Trả lời: Điều 632 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, người con trưởng của ông không thể là người làm chứng cho việc lập di chúc. Bởi, anh ấy là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật hoặc có thể được ông di chúc cho hưởng thừa kế. Và người em ruột của ông có thể làm chứng cho việc lập di chúc với điều kiện không có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc theo quy định trên.
Xin lưu ý với ông, theo Điều 634 BLDS, di chúc bằng văn bản có người làm chứng được thực hiện: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là 2 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 (về nội dung di chúc) và Điều 632 của bộ luật này. Để thuận tiện nhất, ông có thể đến văn phòng công chứng lập di chúc có công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã hoặc phường nơi ông cư trú.
Luật sư TRẦN VĂN SỸ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin