Người chưa thành niên vẫn phải có sự đại diện của người giám hộ trong giao dịch dân sự

05:12, 25/12/2019

Ba em qua đời sớm, mẹ em đi có chồng khác ở xa nên cô em làm người giám hộ, nuôi em từ nhỏ. Nay, em còn 7 tháng nữa tròn 18 tuổi. Khi em đứng ra thực hiện một số giao dịch lại bị cô em ngăn cản, cô cho rằng muốn gì thì nói cô sẽ đại diện cho em. Em nghĩ mình lớn rồi, phải có sự tự lập. Trường hợp này, em có quyền tự thực hiện các giao dịch như mua bán tài sản của ba em để lại không?

Ba em qua đời sớm, mẹ em đi có chồng khác ở xa nên cô em làm người giám hộ, nuôi em từ nhỏ. Nay, em còn 7 tháng nữa tròn 18 tuổi. Khi em đứng ra thực hiện một số giao dịch lại bị cô em ngăn cản, cô cho rằng muốn gì thì nói cô sẽ đại diện cho em. Em nghĩ mình lớn rồi, phải có sự tự lập. Trường hợp này, em có quyền tự thực hiện các giao dịch như mua bán tài sản của ba em để lại không?

L.V.D. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự: Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Hiện nay, mặc dù chỉ còn 7 tháng nữa em tròn 18 tuổi nhưng vẫn là tuổi chưa thành niên.

Theo đó, khoản 4 điều luật trên quy định: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Điều 56 Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau:

1. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Do đó, hiện tại sẽ còn một số lĩnh vực khi thực hiện em vẫn phải cần có sự đại diện của người giám hộ là cô của em.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh