Tôi có người thân vi phạm pháp luật. Do sức khỏe của người này không tốt nên gia đình tôi muốn đóng tiền xin bảo lãnh người này về nhà đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Xin hỏi như vậy có được không? Nếu được thì trách nhiệm của gia đình chúng tôi như thế nào?
Tôi có người thân vi phạm pháp luật. Do sức khỏe của người này không tốt nên gia đình tôi muốn đóng tiền xin bảo lãnh người này về nhà đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Xin hỏi như vậy có được không? Nếu được thì trách nhiệm của gia đình chúng tôi như thế nào?
N.T.D. (TP Cần Thơ)
Trả lời: Đặt tiền để bảo đảm là 1 trong những biện pháp thay thế tạm giam được quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng, để được xem xét giải quyết, bị can phải được căn cứ vào nhiều yếu tố. Theo khoản 1 điều luật này: Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Theo khoản 2 điều luật trên, bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. (Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt- khoản 4).
Bên cạnh đó, khoản 5 điều luật trên còn quy định: Người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 điều này.
Nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo.
Luật sư TRẦN VĂN SỸ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin