Con nuôi vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất

01:10, 11/10/2017

Bác ruột tôi vì không có con, đã nhận nuôi 1 người con nuôi từ nhỏ. 2 anh em tôi là cháu ruột, từ nhỏ cũng sống chung nhà với bác, được bác nuôi ăn học. Nay, bác vừa qua đời. Vậy, anh em tôi có được yêu cầu chia thừa kế di sản của bác không?

Bác ruột tôi vì không có con, đã nhận nuôi 1 người con nuôi từ nhỏ. 2 anh em tôi là cháu ruột, từ nhỏ cũng sống chung nhà với bác, được bác nuôi ăn học. Nay, bác vừa qua đời. Vậy, anh em tôi có được yêu cầu chia thừa kế di sản của bác không?

L.T.C.H.

(Trà Ôn- Vĩnh Long)

Trả lời:

Nếu bác của chị không để lại di chúc, di sản của bác ấy được chia thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp này, bác của chị có con nuôi thì người con nuôi đó thuộc hàng thừa kế thứ nhất với đầy đủ quyền hưởng thừa kế di sản của ba, mẹ nuôi. Bên cạnh, đó anh em chị thuộc hàng thừa kế thứ ba nên không thuộc đối tượng hưởng di sản thừa kế của bác, nếu như còn người thuộc đối tượng được hưởng thừa kế trước đó. Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Theo khoản 3 điều luật trên: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh