Người bị tố giác được đưa ra chứng cứ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

05:05, 03/05/2017

Anh trai tôi vừa bị một người có mâu thuẫn từ trước đến nay tố giác rằng anh đã có hành vi phạm tội. Sự thật là anh bị tố giác sai. Trường hợp này, anh tôi có quyền phản bác và nhờ luật sư bảo vệ không?

Anh trai tôi vừa bị một người có mâu thuẫn từ trước đến nay tố giác rằng anh đã có hành vi phạm tội. Sự thật là anh bị tố giác sai. Trường hợp này, anh tôi có quyền phản bác và nhờ luật sư bảo vệ không?

L.T.H.D. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Nếu anh chị bị tố giác sai, anh ấy có thể thực hiện các quyền của người bị tố giác đã được pháp luật cho phép để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo khoản 1 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại điều này;

c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Lưu ý, theo khoản 2 điều luật trên, khi vụ việc còn đang được xem xét làm rõ, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh