M. là nhân viên làm việc cho một công ty kinh doanh thiết bị văn phòng. Anh đánh giá bản thân không phải là người nhẹ dạ cả tin nhưng trong một lần cần tiền và thiếu tỉnh táo, anh đã bị lừa 50 triệu đồng qua hình thức đầu tư tài chính giả mạo. Trong sự hoang mang tột độ vì tiếc của, M. lại bị lừa thêm một lần nữa.
Hôm đó, khi đang lướt Facebook, M. thấy một bài đăng quảng cáo về “đầu tư chứng khoán với lợi nhuận 10% mỗi tuần, rút vốn linh hoạt”. Trang này được thiết kế rất chuyên nghiệp, có hình ảnh văn phòng, nhân viên và cả những người “đã thành công”. Anh tò mò để lại bình luận và chỉ 5 phút sau, một người tự xưng là “chuyên viên đầu tư” nhắn tin qua messenger đề nghị được gọi điện “tư vấn”:
- Anh chỉ cần nạp thử 5 triệu để xem hiệu quả. Sau 1 tuần, nếu không lời, em hoàn tiền 100%- giọng người đàn ông tự xưng là “tư vấn viên” cung cấp một số thông tin cần thiết, đồng thời trấn an anh M. đừng quá nghi ngờ hay lo lắng.
Ban đầu, M. thử với 5 triệu và chỉ sau vài ngày, tài khoản “đầu tư” của anh báo lời 500.000đ. M. được hướng dẫn rút tiền về tài khoản ngân hàng và sự thật đúng như những gì người đàn ông kia cam kết. Cảm giác tin tưởng trong M. tăng lên nhanh chóng. Sau đó, M. được “mời đầu tư gói lớn hơn” để “tăng lãi suất”. Với suy nghĩ “lúc nào cũng có thể rút vốn”, anh chuyển tiếp 20 triệu, rồi 30 triệu nữa. Nhưng lần này, tài khoản bị khóa với lý do “vi phạm chính sách giao dịch”. Liên lạc với người đàn ông kia thì đã không còn ai trả lời, M. dần hiểu mình đã bị lừa.
Vài ngày sau, khi đang rối trí vì sự mất mát số tiền quá lớn, M. tình cờ tìm thấy một bài đăng trên TikTok: “Bạn bị lừa đảo tài chính? Chúng tôi có thể giúp lấy lại tiền bằng pháp lý, 100% bảo mật và miễn phí tư vấn”. Dưới bài đăng là hàng ngàn lượt thích, kèm theo các video “khách hàng từng bị lừa” cảm ơn rối rít vì đã “lấy lại được toàn bộ số tiền”. Trong lúc tuyệt vọng, M. quyết định liên hệ. Người nhận cuộc gọi giới thiệu tên T. tận tình hướng dẫn:
- Anh là nạn nhân, hiện tại chúng tôi đang tổng hợp hồ sơ để chuyển lên cơ quan điều tra. Trường hợp anh có thể được hỗ trợ lấy lại tiền nếu nộp đơn tố giác và xác minh tài khoản nguồn gốc.
T. yêu cầu M. cung cấp CCCD, sao kê ngân hàng cùng biên lai chuyển khoản ban đầu. M. làm theo không chút nghi ngờ vì tin rằng đây là bước “hỗ trợ pháp lý”. Tiếp đến, T. gửi cho M. một “mã hồ sơ” và thông báo:
- Hồ sơ của anh đủ điều kiện, nhưng để cơ quan chức năng xác minh giao dịch và mở khóa tài khoản trung gian, anh cần chuyển trước một khoản “tạm ứng xác minh giao dịch” 8 triệu đồng, khoản này sẽ được hoàn lại sau 24 giờ.
Dù cảm thấy hơi lo, nhưng vì quá mong muốn lấy lại tiền, M. quyết định chuyển khoản. 1 ngày trôi qua, tiền không trở về tài khoản, cũng không có thông báo hay tin nhắn nào qua điện thoại. M. lập tức gọi cho T. thì được thông báo đang “đợi đối soát từ ngân hàng trung gian”. Ngay sau đó, một người khác liên lạc qua điện thoại M. tự xưng là nhân viên ngân hàng nói “khoản tiền đã được xử lý một phần nhưng phát hiện thêm dấu hiệu rửa tiền nên cần thêm 12 triệu đồng để chứng minh nguồn tiền sạch”.
Lúc này, M. bắt đầu nghi ngờ nên hỏi:
- Tôi có thể gặp trực tiếp được không?
Đầu dây bên kia ngập ngừng:
- Đây là quy trình online, do hồ sơ đang được xử lý khẩn nên không thể.
M. càng thêm bức xúc, tâm trạng rối bời vì lại rơi vào bẫy một lần nữa. Anh tắt máy và nhanh chóng đến cơ quan chức năng trình báo sự việc, cung cấp toàn bộ tin nhắn, số điện thoại, hình ảnh giấy tờ liên quan. Lúc này, M. mới biết rằng mình không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu trò lừa đảo này.
Anh được giải thích thủ đoạn lừa đảo “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” tức là người ta đánh vào tâm lý nạn nhân đã mất tiền, mong muốn lấy lại nên sẵn sàng chi thêm. Đây là hình thức lừa đảo tiếp theo của các nhóm tội phạm công nghệ cao. M. lặng im suy nghĩ, xâu chuỗi lại những gì đã diễn ra đúng là không thể ngờ tới. Không những mất 50 triệu ban đầu mà còn mất thêm 8 triệu “làm hồ sơ”- cái giá quá lớn cho một bài học nhớ đời.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin