“Quà tặng tri ân” từ TikTok

15:33, 17/04/2025

Nhận được thông báo “quà tặng 0 đồng” “quà tặng tri ân khách hàng” khiến nhiều người phấn khích vội vàng làm theo hướng dẫn. Không ngờ đằng sau những món quà miễn phí đó là cái bẫy vô cùng tinh vi được giăng sẵn chờ đón “con mồi”.


Câu chuyện sau đây của M. là sinh viên đam mê công nghệ và rất thích sử dụng TikTok. Sau giờ học, M. thường lướt TikTok để giải trí và cập nhật xu hướng mới. Một buổi tối, khi đang xem video, cô nhận được thông báo từ một tài khoản có dấu “tích xanh” tên rất giống tài khoản chính thức của TikTok: “Chúc mừng bạn! Bạn là 1 trong 100 người may mắn được TikTok tri ân với phần quà trị giá 20 triệu đồng”.

Dưới bài đăng là hàng trăm bình luận như: “Mình đã nhận được quà rồi, cảm ơn TikTok!”, “Uy tín thật sự!”, “Vừa nhận thẻ điện thoại 500k xong”. Không nghi ngờ gì nữa, M. cảm thấy vô cùng phấn khích. Ai mà không vui khi bất ngờ nhận được món quà lớn, trong khi M. là sinh viên sống xa nhà thì phần thưởng đó thật vô cùng quý giá.


M. vội bấm vào đường link được gắn dưới bài viết để “xác nhận thông tin nhận quà”. Trang web hiện ra có giao diện giống hệt TikTok chính thức. Ở đó, cô sinh viên được yêu cầu nhập họ tên, số điện thoại, địa chỉ gmail và đặc biệt là mã OTP gửi về điện thoại để “xác thực tài khoản”. Không chút nghi ngờ, M. điền đầy đủ thông tin, kể cả mã OTP mới được gửi từ nhà mạng. Giao diện sau cùng hiện lên dòng chữ: “Cảm ơn bạn đã xác nhận! Quà sẽ được gửi trong vòng 48 giờ.”


M. quay lại TikTok với tâm trạng hớn hở, còn định quay clip khoe “vận may bất ngờ” với bạn bè, người thân. Nhưng chưa đầy 15 phút sau, M. nhận được tin nhắn từ ngân hàng: “Tài khoản của bạn vừa thực hiện giao dịch chuyển 5.000.000đ đến ví điện tử…”.

“Quà tặng tri ân” chẳng thấy đâu nhưng trước mắt toàn bộ số tiền dành dụm mấy tháng trời đi làm thêm đã không còn. Tài khoản về 0, M. như ngã quỵ. Khi lấy lại được bình tĩnh, cô sinh viên ngay lập tức gọi tổng đài ngân hàng khóa tài khoản nhưng tiền chuyển đi không thể hoàn lại. Cô hoảng hốt liên hệ khắp nơi mong nhận được cứu giúp thì đã quá muộn. Mọi người an ủi, động viên M. xem như “của đi thay người” và ghi nhớ đó như “bài học nhớ đời” để cảnh giác về sau.


Thực tế, trang web mà M. truy cập không phải của TikTok, mà là một phiên bản giả mạo được thiết kế tinh vi. Kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ để làm giả giao diện TikTok và đánh cắp thông tin cá nhân. Khi M. nhập mã OTP, đó không phải để xác minh tài khoản nhận quà, mà là để xác thực giao dịch chuyển tiền vì trước đó đối tượng lừa đảo đã “nắm trong tay” thông tin cá nhân của M. bị rò rỉ.


M. không phải là nạn nhân duy nhất. Rất nhiều người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi đã rơi vào bẫy lừa đảo bởi những lời quảng cáo “tri ân khách hàng”, “quà tặng miễn phí”, “trúng thưởng bất ngờ” từ việc giả mạo các nền tảng thương mại điện tử lớn như TikTok, Shopee, Lazada. Kẻ gian lợi dụng tâm lý ham quà, thiếu cảnh giác và sự cả tin vào những diễn biến như thật để đưa “con mồi” vào bẫy mà có người ngay cả khi mất tiền vẫn còn chưa tin đó là sự thật và còn trông mong sớm nhận được “quà”.


M. sau đó chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội mong nhận được sự chia sẻ và cũng để cảnh tỉnh mọi người. M. cũng trở nên cảnh giác hơn khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là khi gặp những thông báo “quà tặng miễn phí” từ các trang web, đường link lạ.

TRUNG HƯNG
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh