Chiêu lừa đặt cọc mua bán nhà

Cập nhật, 06:07, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)

(VLO) Dành dụm hơn 5 năm, vợ chồng anh B. cứ tưởng sẽ có được nơi định cư lâu dài để thoát cảnh thuê trọ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán bất động sản, họ đã sập bẫy chiêu lừa của kẻ xấu và đành ngậm ngùi mất trắng số tiền lớn.

Theo lời anh B. kể lại, trên đường đi làm về, anh phát hiện căn nhà cấp 4 gần nơi làm treo bảng cần bán gấp với giá thỏa thuận.

Khấp khởi mừng thầm trong lòng, anh B. chạy ngay về nhà báo tin cho vợ mình biết. Vì đã ngắm nghía căn nhà bấy lâu nên khi có thông tin rao bán, vợ anh B. cũng đồng ý mua căn nhà để thuận tiện cho việc đi lại làm việc của chồng mình. Sau khi bàn bạc với vợ, anh B. liền liên hệ hẹn gặp ông T.- chủ căn nhà để đến xem, thỏa thuận giá cả.

Sáng hôm sau, anh B. chở vợ đến xem nhà ông T. Sau khi xem qua tất cả các giấy tờ liên quan đều hợp pháp, vợ chồng anh B. quyết định ký hợp đồng mua nhà và đặt cọc trước 100 triệu đồng, đồng thời ràng buộc thêm điều khoản nếu một trong hai bên phá vỡ hợp đồng thì phải đền bù gấp đôi số tiền cọc.

Thỏa thuận xong hợp đồng, chiều cùng ngày, anh B. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ:

- A lô, cho em hỏi có phải số của anh B. không ạ?

- Đúng rồi, mà có việc gì không chị?

- Dạ, em biết được thông tin là mình vừa mua căn nhà của ông T. nên giờ muốn liên hệ anh để mua lại ạ.

Trước lời đề nghị trên, anh B. thẳng thừng từ chối. Song, người phụ nữ tiếp tục ra sức thuyết phục:

- Dạ, em cũng nói thẳng luôn, căn đó anh mua 1 tỷ phải không? Nếu anh đồng ý bán thì em sẽ mua lại với giá gấp đôi.

- Cái gì, gấp… gấp đôi hả, để tôi bàn với vợ rồi cho chị hay. Nhưng chị mua giá cao vậy sao không liên hệ trực tiếp chủ nhà luôn?

- Cũng thú thật với anh là em để ý căn đó lâu rồi, nhưng vì có hiềm khích với chủ nhà nên có trả giá cao cỡ nào ông ta cũng không bán đâu.

Trước lời giải thích hợp lý và mức giá hấp dẫn người phụ nữ đưa ra, anh B. tính toán nếu bán lại căn nhà 2 tỷ đồng thì có thể mua một căn khác đồng thời dư được một số tiền kha khá gửi ngân hàng.

Sau khi bàn bạc với vợ mình, anh B. đồng ý bán căn nhà và nhận trước 200 triệu đồng tiền cọc. Về phần người phụ nữ, sau khi giao tiền cọc, tất nhiên cô ta cũng sẽ ràng buộc điều khoản đền bù gấp đôi số tiền này nếu một trong hai bên phá vỡ hợp đồng.

Mọi chuyện tưởng chừng êm xuôi, bỗng dưng ngày hôm sau ông T. gọi điện thoại báo cho anh B.:

- A lô, anh đổi ý không bán căn nhà nữa nên giờ em chạy qua chỗ anh để nhận tiền đền bù nhe!

Chưa kịp trả lời vì ông T. đã tắt máy, anh B. tá hỏa chạy ngay sang thuyết phục chủ căn nhà. Song, vì đã đưa anh B. rơi vào “bẫy” nên ông T. nhất quyết không thay đổi ý định.

Cuối cùng, dù được đền bù 200 triệu đồng nhưng vợ chồng anh B. phải bỏ ra 400 triệu đồng để đền bù hợp đồng cho người phụ nữ. Chỉ vì ham lời nên đưa ra quyết định vội vàng, vợ chồng anh B. đã trở thành nạn nhân của màn kịch lừa đảo mà ông T. và người phụ nữ đã phối hợp diễn xuất quá hoàn hảo.

PHẠM TẤN