Bộ lư của bà ngoại Năm

06:05, 28/05/2021

Thời gian qua, có nhiều cá nhân hoặc nhóm đã mở kênh YouTube để làm từ thiện giúp đỡ những cụ già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,...

(VLO) Thời gian qua, có nhiều cá nhân hoặc nhóm đã mở kênh YouTube để làm từ thiện giúp đỡ những cụ già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,...

Họ đến nơi, quay video clip rồi đăng tải trên kênh YouTube. Sau đó, nếu nhận được tiền hoặc quà từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thì họ sẽ trao lại cho bà con gặp khó.

Hiện nay, các kênh từ thiện được nhiều người quan tâm như: Phước Cần Thơ, Hưng An Giang, Tâm Ròm Vlog, Tuấn Vỹ kết nối yêu thương, Sài Gòn ngày nay (Tuấn Dương),... Họ và những nghĩa cử cao đẹp đã góp phần giúp đỡ, “trợ duyên” cho những hoàn cảnh khó khăn, mang tình yêu thương ấm áp đến với đồng bào.

Bà cụ Năm (85 tuổi) sống một mình trong căn nhà dột nát, bản thân bị bệnh, sống bữa cơm, bữa cháo nhờ vào tiền trợ cấp của Hội Người cao tuổi và sự cưu mang của bà con chòm xóm.

Trong nhà không tài sản gì giá trị ngoài bộ lư của ông bà để lại đặt trên chiếc bàn thờ xiêu vẹo mà theo bà, dù đói kém cũng không nỡ bán đi.

Khoảng 6 tháng nay, bà Năm được anh A. cùng 2 người bạn trong nhóm thiện nguyện đến quay clip và giúp đỡ: lợp lại mái tôn, nâng nền lót gạch tàu, xây nhà vệ sinh, sắm quần áo, mùng, mền mới.

Ngoài ra, nhóm của anh A. còn mua gạo, nước tương, nước mắm, sữa, bánh ngọt,... và gửi tiền hàng tháng cho cụ.

Mỗi lần đến thăm hỏi, trao tiền và quà, anh A. đều quay video và đăng trên YouTube để công bố tên mạnh thường quân, số tiền thu- chi công khai cho mọi người cùng biết.

Trưa hôm ấy, có một thanh niên đến nhà gặp bà Năm.

- Dạ, chào ngoại Năm! Con là anh em trong nhóm của anh A. hôm nay tới thăm hỏi sức khỏe của ngoại nè!

Bà Năm nheo mắt:

- Ồ, vậy à! Vô nhà uống miếng nước nè con. Nhóm của cháu A. sao bà... hổng biết con? Hôm rồi, cháu A. có nói là cuối tháng mới trở lại thăm bà mà.

- Dạ, tụi con chia làm 2 nhóm. Hổm nay, con đi nhóm bên kia. Ngày mai là đám giỗ của ông phải không ngoại? Anh A. bận công việc nên kêu con tới đây trợ giúp cho ngoại chút đỉnh để cúng ông.

- Chèn ơi! Tội nghiệp tụi con quá. Bà có nói với cháu A. rồi, năm nào cũng vậy, hễ tới ngày giỗ của ổng, ngoại có gì ăn là dọn lên cúng ổng chớ có tiền đâu mà bày vẽ này nọ.

Người thanh niên cười:

- Hồi đó khác. Bây giờ ngoại có biết bao nhiêu đứa cháu giúp đỡ mà lo gì!

- Hổng được con ơi, mạnh thường quân lo cho bà có cơm no áo ấm như vầy là quý lắm rồi. Người ta làm ra đồng tiền cũng cực khổ lắm!

Trò chuyện được một lát thì người thanh niên nói:

- Thôi thì... ngoại ăn cơm với gì thì dọn lên cúng cũng được, chủ yếu là tấm lòng của ngoại đối với ông thôi. Nhưng có một chuyện anh A. dặn con là phải mang bộ lư ra chợ mướn người ta chùi bóng lại cho mới, cho khang trang.

- Ủa, bây giờ hổng phải gần tết, làm sao có chỗ chùi bóng bộ lư?

- Có ngoại ơi, con biết chỗ chuyên chùi bóng đồ đồng, người ta làm suốt năm luôn. Đem ra chợ, chùi bóng xong, con mua ít bánh và trái cây về cúng rồi gởi ngoại ít tiền của mạnh thường quân luôn nhé.

Người thanh niên mang bộ lư ra chợ chùi bóng đã mấy tiếng đồng hồ mà không thấy quay lại, bà Năm lo lắng.

Chờ đến chạng vạng, bà đi đến nhà cô Sáu cuối rạch (nơi anh A. thường gọi điện liên lạc để hỏi thăm sức khỏe của bà Năm) nhờ gọi điện cho anh A. để hỏi thăm tin tức của người thanh niên.

Nói chuyện điện thoại với anh A. xong, cô Sáu giậm chân, tặc lưỡi:

- Trời đất ơi, bà đã bị cái thằng bất nhơn đó lường gạt rồi. Tụi nó coi mấy cái video đăng trên mạng rồi giả danh, nói chuyện y như thiệt để gạt... Trời ơi, ác gì mà dữ vậy, tới người già neo đơn, khổ gần chết mà nó cũng không tha.

Bà Năm gạt nước mắt, thui thủi trở về nhà. Còn cô Sáu nhanh chân đi báo sự việc với chính quyền địa phương.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh