Chiếc điện thoại "xịn"

12:04, 20/04/2021

Nhà anh T. cặp QL54. Buổi trưa, anh đang nằm võng dưới bóng xoài trước sân thì có một người đàn bà đội nón lá, quảy chiếc túi xách nhỏ, tay cầm quyển sổ dò vé số kiến thiết bước vào. 

Nhà anh T. cặp QL54. Buổi trưa, anh đang nằm võng dưới bóng xoài trước sân thì có một người đàn bà đội nón lá, quảy chiếc túi xách nhỏ, tay cầm quyển sổ dò vé số kiến thiết bước vào. Nghĩ rằng người đàn bà chuẩn bị mời vé số nên anh nói:

- Dì ơi, con không mua vé số đâu.

Người đàn bà cười:

- Đúng là tui bán vé số nhưng ghé đây... là nhờ chú em chuyện khác.

Anh T. ngồi dậy:

- Dạ, dì nhờ con chuyện gì vậy?

Người đàn bà mở chiếc túi xách, bỏ quyển sổ dò vé số vào và lấy ra chiếc điện thoại.

- Tui mới lượm được ngoài lộ, cặp mé cỏ nên còn y nguyên hà. Tui hổng biết xài điện thoại này, nào giờ chỉ có cái điện thoại “cùi bắp” nhấn nút xanh thì nghe, nút đỏ là tắt.

- Vậy... dì tính... bán hay gì? Nói trước là con không mua vì có điện thoại rồi.

Người đàn bà phân trần:

- Í, hổng phải đâu! Lúc cầm điện thoại trên tay thì có số gọi tới, tui luýnh quýnh nhấn vào nút xanh mà sao hổng nghe được. Nghe người ta nói điện thoại xịn không bấm mà phải “quẹt quẹt” gì đó mới nghe được. Vụ “quẹt” này thì tui thua. Tui muốn nhờ chú em mở ra coi rồi gọi lại báo cho người mất tới nhận lại.

Thấy người đàn bà có lòng tốt, anh T. mở điện thoại rồi lắc đầu:

- Cái máy này cài mật khẩu nên con cũng bó tay luôn rồi dì ơi!

Hai người trò chuyện một lúc thì điện thoại lại đổ chuông. Anh T. bắt máy, chào:

- A lô!

Giọng nói của 1 người thanh niên:

- A lô! Xin lỗi anh, em.. em... là chủ điện thoại di động mà anh đang nghe. Em chạy xe và làm rớt trên đường, không biết là đoạn nào nên...

- À, điện thoại! Đây nè! Có người lượm được, nhờ tui nghe nè.

- Ồ, em mừng quá! Lượm được ở đoạn nào vậy anh? Em quay lại liền. Nói thiệt, điện thoại của em mắc tiền, trên 10 triệu lận đó. Nhưng quan trọng nhất là danh bạ, em làm bên tiếp thị, lỡ có bề gì... mất hết toàn bộ số của khách hàng...

Sau khi nói chuyện qua điện thoại xong, anh T. phân vân một chút rồi thuật lại cho người đàn bà bán vé số nghe sự việc. Người đánh rơi điện thoại đã về đến nhà, rất xa, khoảng một tiếng rưỡi nữa mới tới đây. Khi biết người lượm điện thoại còn phải đi bán vé số, sẽ gặp khó khi phải chờ thời gian khá lâu nên anh ta nhờ anh T. cho mượn 3 triệu đồng hậu tạ bà dì bán vé số (thật ra anh ta còn hứa lì xì riêng cho anh T. 1 triệu). Người thanh niên nhờ anh T. giữ dùm chiếc điện thoại lát nữa anh ta sẽ trở lại nhận.

Thấy người đàn bà bán vé số hơi do dự, anh T. nói:

- Dì đừng ngại, người ta chắc cũng khá giả, số điện thoại khách hàng không lưu vào sim, toàn lưu trong máy nên... Mà thôi, nói chuyện này dì cũng không hiểu đâu. Dì nhận tiền của con cho mượn tạm rồi tranh thủ đi bán vé số, chút nữa con nhận lại. À, người đó chuyển lời cảm ơn dì nhiều lắm!

Anh T. chờ 2 tiếng, 3 tiếng rồi 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy ai đến nhận chiếc điện thoại. Không có mật khẩu, anh chỉ biết cầm chiếc điện thoại trên tay chờ cuộc gọi đến mà đứng ngồi không yên.

Sáng hôm sau, anh T. chạy xe ra chợ, đến cửa hàng điện thoại di động, kể lại sự việc và nhờ mở dùm mật khẩu. Cầm chiếc điện thoại trên tay, anh nhân viên kỹ thuật nói:

- Chú đã bị 2 người đó gạt rồi. Đây là hàng nhái, sử dụng cũng được nhưng không bền. Loại này, cửa hàng lớn như chỗ tụi con không có nhưng trên thị trường giá bán ra không tới 2 triệu đâu.

Dù đã nghi ngờ nhưng anh T. không khỏi giật mình khi nhớ lại màn lừa đảo khá tinh vi của bọn xấu. Anh nhân viên vừa mở khóa mật khẩu vừa nói:

- Bây giờ chú có thể đem về xài hoặc đến cửa hàng khác bán lại nhưng... người ta mua cao nhất chắc cũng không tới 1 triệu đâu.

Chỉ vì tính thương người và một ít... lòng tham số tiền 1 triệu đồng mà bọn lừa đảo đã hứa sẽ tặng, anh T. ngại không dám kể cho người khác nghe. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, anh muốn câu chuyện này được đăng trên báo Vĩnh Long để làm bài học cảnh giác chung cho mọi người.

NGUYỄN LINH

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh