Cú lừa cay đắng

02:11, 20/11/2019

Những ngày gần đây, nhiều người sống ở ĐBSCL đã bị sập bẫy trước thủ đoạn tinh vi của bọn bất lương. Nạn nhân đa phần là nữ cán bộ công nhân viên chức, người thường sử dụng mạng xã hội Facebook, người hay mua bán giao dịch trên các trang mạng xã hội.

Những ngày gần đây, nhiều người sống ở ĐBSCL đã bị sập bẫy trước thủ đoạn tinh vi của bọn bất lương. Nạn nhân đa phần là nữ cán bộ công nhân viên chức, người thường sử dụng mạng xã hội Facebook, người hay mua bán giao dịch trên các trang mạng xã hội.

Chị N.T.V.A. kể lại: Chị nhận được một trang mạng xã hội thông tin với nội dung: cần người phát tán lại nội dung bài quảng cáo của một cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) với giá 10.000 đ/lần.

Số tiền công này sẽ được trả qua tài khoản cá nhân của chị. Thấy công việc rất nhẹ nhàng, không quá tốn công, chị đã thực hiện theo yêu cầu của cửa hàng trên. Sau 5 ngày “hợp đồng” phát tán bài viết, chị đã nhận được 600.000đ thông qua tài khoản cá nhân.

Đến ngày thứ 6, chị nhận được cuộc gọi đặt 100 hộp thuốc của một “Việt kiều” với yêu cầu trong vòng 3 hôm phải cung cấp đầy đủ để anh này mang về Mỹ sử dụng. Chị A. gọi điện đến cửa hàng cung cấp TPCN mà chị đã hợp đồng.

Cửa hàng này cho biết: Giá mỗi hộp thuốc là 500.000đ, tổng cộng 100 hộp là 50 triệu đồng, cửa hàng trích lại 20% tiền hoa hồng cho chị, như vậy chị phải trả 40 triệu đồng và chỉ phải trả trước 20 triệu đồng khi nhận hàng, phần còn lại sẽ thanh toán sau.

Thấy chỉ trong 3 hôm mà thu được tiền chênh lệch đến 10 triệu đồng, chị đã nhanh chóng làm theo. 2 giờ sau đã có nhân viên mang hàng đến tận nhà. Sau khi đếm đủ 100 gói TPCN, chị A. giao tiền cho người giao hàng.

3 ngày sau, không thấy người đặt hàng đến nhận, chị A. liên tục gọi điện nhưng đầu dây bên kia tắt máy. Sinh nghi chị tiếp tục điện thoại đến cửa hàng cung cấp TPCN cho mình thì tình trạng tắt máy xảy ra tương tự. Chị tìm đến tận địa chỉ ghi trên nhãn mác thì mới biết đây là địa chỉ “ma”.

Đến lúc này, chị mới biết mình bị một cú lừa cay đắng vì bên trong 100 gói TPCN kia chỉ là thuốc không rõ nguồn gốc. Xâu chuỗi lại các hành vi, chị A. nhận ra bọn lừa đảo đã lấy lòng tin của chị khi chuyển số tiền “phát tán” 600.000đ để chị làm tin và mất cảnh giác.

Kế tiếp, chúng đã đóng vai khách hàng thúc giục chị nhanh chóng đặt hàng để rồi chúng cao chạy xa bay; động tác cuối cùng là cho người mang hàng “dỏm” đến nhà chị nhận tiền và sau đó tất cả đã khóa máy. Cạnh đó chúng cũng nhanh chóng xóa trang cá nhân trên Facebook.

Đây đang là thủ đoạn mới xuất hiện ở ĐBSCL, rất mong người dân hết sức cảnh giác.

PHƯƠNG ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh