Đang mùa dịch bệnh tay chân miệng, thấy có "nhân viên y tế" đến tuyên truyền và bán thuốc phòng ngừa nên chị Võ Thị Kim Thoa tin lời và mua nhầm thuốc dỏm
Đang mùa dịch bệnh tay chân miệng, thấy có “nhân viên y tế” đến tuyên truyền và bán thuốc phòng ngừa nên chị Võ Thị Kim Thoa tin lời và mua nhầm thuốc dỏm. Dù bị lừa không phải ở địa phương nhưng chị Thoa muốn nêu lên để mọi người đều cảnh giác những trường hợp tương tự.
Chị Thoa quê ở Tam Bình, do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ dắt díu lên TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ ở quận Tân Bình mưu sinh.
Hôm đó, có 2 người giới thiệu là nhân viên trạm y tế đến tuyên truyền về phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Họ bảo vô đợt tuyên truyền nên có bán thuốc phòng ngừa bệnh và được BHYT hỗ trợ 50% giá thuốc. “Loại thuốc này ngâm với quần áo của trẻ em sẽ ngừa được bệnh.
Gia đình mua 10 gói sử dụng được nửa năm, giá 100.000 đ/gói, nhưng bảo hiểm hỗ trợ 50%, chỉ trả 50.000đ. Sau khi sử dụng hết có thể đến trạm y tế mua tiếp”- họ giới thiệu.
Gói thuốc có đóng dấu giá 100.000đ, bao bì ghi chữ nước ngoài trông cũng rất đẹp. “Đang vào mùa dịch bệnh tay chân miệng, mình cũng lo cho 2 đứa con nhỏ. Thuốc có BHYT hỗ trợ thì không lo giả, nên mua 10 gói, giá 500.000đ, để phòng bệnh cho con”- chị Thoa nói.
Sau đó, cứ mỗi ngày chị Thoa lấy một phần thuốc theo nhân viên y tế chỉ dẫn, pha với nước ngâm áo quần con trước khi giặt. Nhưng sau gần 1 tháng sử dụng, các con chị phát sốt, da nổi mẩn đỏ.
“Đã có thuốc phòng bệnh rồi nên tưởng con chỉ sốt bình thường, đi mua thuốc Tây về cho con uống. Nhưng bệnh của con không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, mẩn đỏ có nước lan ra khắp người, nên tôi đưa đến trạm y tế.
Bác sĩ khám nói con bị mắc bệnh tay chân miệng và nhiễm trùng da do dị ứng. Tôi thắc mắc với bác sĩ là đã có dùng thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng của y tế bán, sao còn mắc bệnh? Bác sĩ nghe kể liền cho biết, không có đợt tuyên truyền, bán thuốc nào cả. Đến đây, tôi mới biết đã bị lừa”- chị Thoa kể lại.
Chị Thoa cho biết thêm, hôm đó ở dãy phòng trọ cũng có nhiều người mua thuốc này và còn gửi về cho gia đình ở quê.
Thời gian qua, bọn lừa gạt dùng nhiều thủ đoạn như giả danh công an, cán bộ cấp cao hay người tu hành… để bán hàng không rõ nguồn gốc.
Họ lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và mất cảnh giác để dựng lên câu chuyện như thật, nhằm lừa gạt mọi người.
Đến khi phát hiện ra, người dân chỉ còn biết tự trách mình, còn kẻ lừa gạt thì đã cao chạy xa bay. Qua vụ việc trên, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác để sớm phát hiện, tố cáo chúng đến cơ quan pháp luật đồng thời biết cách tự bảo vệ tài sản của mình.
HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin