Có một thực tế đáng báo động hiện nay là các đối tượng lừa đảo đang hướng tới vùng nông thôn với thủ đoạn cũng như tính chất, mức độ ngày càng tinh vi. Một trong những thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để tung ra những chiêu trò, mánh lới.
Có một thực tế đáng báo động hiện nay là các đối tượng lừa đảo đang hướng tới vùng nông thôn với thủ đoạn cũng như tính chất, mức độ ngày càng tinh vi. Một trong những thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để tung ra những chiêu trò, mánh lới.
Chú Hồ Văn Nhân (một nông dân ngụ tại huyện Long Hồ) vừa bị kẻ xấu lừa mất 2 triệu đồng một cách tinh vi mà theo chú là không thể ngờ nổi. Đó là một phụ nữ bán vé số (độ ngoài 50 tuổi) cấu kết cùng một thanh niên mạo nhận qua điện thoại là người quen của chú để đưa chú vào bẫy.
Mấy hôm trước, khoảng 9 giờ sáng, có một người phụ nữ bước vào cổng rào mời chú mua vé số. Thấy người phụ nữ cũng đáng thương nên chú quyết định mua giúp 2 vé cầu may. Trong lúc người phụ nữ đưa vé số cho chú thì điện thoại reo mà chị ta không bắt máy. Thấy vậy, chú bảo:
- Sao chị không bắt máy, nghe xong thối tiền cho tôi cũng được mà?
Người phụ nữ phân trần:
- Đây là điện thoại tôi mới nhặt được ở gần chợ. Tôi không biết đường xài mấy cái điện thoại cảm ứng này nên máy reo nãy giờ mà không biết làm sao. Tôi định mang về nhà nhờ mấy đứa nhỏ gọi vào danh bạ để tìm người đánh rơi trả lại.
Nói đến đây thì người phụ nữ nhìn chú Nhân và hỏi:
- Anh biết xài loại điện thoại này không? Hay là anh nghe máy thử coi, chắc là người đánh rơi gọi. Nếu ở gần thì mình trả lại cho họ luôn?
Thấy đây là việc làm tốt, có thể giúp được người đánh rơi tài sản nên chú Nhân bắt máy. Đầu dây bên kia là giọng một người thanh niên. Hắn xưng là chủ nhân của chiếc điện thoại và hỏi địa chỉ của chú để xin lại máy. Sau khi chú Nhân chỉ nhà thì người thanh niên tỏ ra mừng rỡ và bảo anh ta là con của chú Mười ở xóm trên. Hắn ta còn diễn tả nhà của chú Mười để lấy lòng tin của chú Nhân. Người thanh niên rối rít:
- Chú nhớ con không? Con là Tài nè. Con mới về thăm cha hôm qua. Sáng nay, con ra chợ mua ít trái cây để cùng cha qua Sa Đéc thăm nội nên chắc đánh rơi điện thoại lúc đó.
Nói đến chú Mười thì chú Nhân biết. Chú bảo:
- Vậy chú nhận lại điện thoại cho con, khi nào về chạy lại chú lấy nhe?
- Dạ! Nhưng chú ơi! Con muốn cảm ơn người phụ nữ kia. Trong điện thoại con lưu toàn những số khách hàng quan trọng. May mà có chị ta! Con nhờ chú biếu chị 2 triệu đồng coi như đền đáp. Chiều về, con qua gửi lại chú!
Nghe người thanh niên nói, mặc dù biết rành chú Mười, còn đám nhỏ đi làm ăn xa lâu ngày không gặp nhưng chú Nhân cũng không thấy có gì phải nghi ngờ. Chú liền vào nhà lấy tiền đưa cho người phụ nữ.
Mãi đến sập tối, chú Nhân chẳng thấy con chú Mười đến nhận lại điện thoại. Chú gọi vào số máy khi sáng thì không liên lạc được. Tức mình, chú lấy xe chạy lên nhà chú Mười thì biết mình bị lừa. Con chú Mười không có về thì lấy đâu ra chuyện đánh rơi điện thoại. Chú Nhân đã mất 2 triệu đồng đổi lấy điện thoại dỏm.
Cuộc sống của người dân nông thôn vốn đã cực nhọc, khó khăn nhưng nếu sụp bẫy bọn tội phạm thì sẽ càng khó khăn hơn. Mong rằng bà con hãy lấy đây làm bài học để đề cao cảnh giác với những chiêu trò bịp bợm tương tự của kẻ bất lương.
NHẬT LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin