Lợi dụng sự đông đúc, tự do ra vào ở bệnh viện nên từ lâu nơi đây đã là "mảnh đất lành" của bọn tội phạm.
Lợi dụng sự đông đúc, tự do ra vào ở bệnh viện nên từ lâu nơi đây đã là “mảnh đất lành” của bọn tội phạm.
Mặc dù ở mỗi bệnh viện đều có nhắc nhở bằng việc phát loa hoặc dán bảng cảnh báo và bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh đã rất cảnh giác nhưng thủ đoạn của bọn tội phạm là muôn hình vạn trạng, ngày càng tinh vi, xảo quyệt nên vẫn còn nhiều người sụp bẫy.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quê ở huyện Tam Bình- Vĩnh Long) nuôi em gái bị tai nạn giao thông tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ.
Mỗi buổi chiều sau khi lo xong việc ăn uống, thuốc thang cho em, chị Hạnh cùng một số người nhà bệnh nhân khác thường ra hàng ghế trước phòng ngồi tán gẫu, thăm hỏi nhau để giảm bớt buồn lo và cũng để tỉnh táo mà chăm sóc bệnh nhân.
Chiều hôm đó, có một người phụ nữ tự xưng tên là Mai lân la đến làm quen với mấy chị. Người phụ nữ này bảo quê ở Sóc Trăng, chồng bị tai biến mạch máu não nằm ở dãy bên cạnh.
Do con trai đang học ở Trường ĐH Cần Thơ nên chị chuyển chồng lên đây điều trị tiện cho con tới lui phụ hợ. Chị Hạnh và một số người khác cứ nghĩ người phụ nữ này giống mình đang nuôi người thân nằm viện nên dễ dàng thông cảm và bắt chuyện cùng nhau.
Sau một hồi trò chuyện, người phụ nữ hỏi:
- Mấy chị có xin cơm từ thiện phát ở dưới không?
Không đợi ai xen vô, người phụ nữ nói tiếp:
- Tôi sợ con trai vừa học, vừa phụ nuôi cha mà nấu nướng nữa không tiện nên con tôi cứ ăn cơm ở nhà người quen như đó giờ, còn tôi ngày 2 bữa xin cơm từ thiện ăn. Cơm chay, nhưng họ nấu ngon lắm. Chắc phải ở đây dài ngày, đủ thứ tiền này nọ, bớt chút nào hay chút nấy, để tiền lo cho ổng!
Như đánh trúng tâm lý- người ở bệnh viện ai cũng phải nặng gánh lo toan tiền bạc- nên những người xa lạ bỗng trở nên thân thiết nhau hơn. Buổi trò chuyện càng lúc càng thân tình, cởi mở.
Một lúc sau, mỗi người ai về phòng nấy và không quên hẹn nhau trưa mai cùng đi xin cơm từ thiện.
10 giờ hôm sau, người phụ nữ xách “cà mên” đi ngang gọi mấy chị cùng đi. Và buổi chiều cũng vậy nên không ai nghĩ đến chuyện chị ta giả danh người nhà bệnh nhân để chuẩn bị cho một chiêu lừa gạt.
Khoảng 6 giờ tối hôm đó, người phụ nữ hớt hơ hớt hải sang phòng chị Hạnh bảo vừa bị kẻ gian móc túi mất hết số tiền mang theo. Chị còn khóc lóc nói giờ không biết phải làm sao? Thấy hoàn cảnh đáng thương, ai cũng đọng lòng. Người phụ nữ nói trong nước mắt:
- Hồi chiều, bác sĩ bảo sáng mai phải đóng thêm hơn 3 triệu đồng để xét nghiệm, kiểm tra gì đó mà giờ không còn đồng nào!
Nói đến đây, chị ta lại thêm nức nghẹn và tỏ ra cố kiềm nén để nói tiếp:
- Nếu mấy anh, mấy chị thương tôi, làm ơn cho tôi mượn 4 triệu đồng để sáng mai đóng viện phí cho chồng xong, tôi sẽ bắt xe về quê mang tiền lên ngay!
Thấy chị ta quá tội nghiệp, vả lại cũng có tới lui trò chuyện nên ai cũng tin tưởng và muốn giúp. Mỗi người góp một ít cũng được khoảng 3 triệu đồng. Khi nhận tiền xong người phụ nữ nói để về phòng cho con trai hay.
Chị Hạnh thấy vậy liền sang phòng bên cạnh kể lại cho một số người nghe. Có người ngỏ ý góp thêm 500 ngàn đồng nên chị Hạnh nhanh nhảu sang dãy bên tìm người phụ nữ ấy. Chị đi hết các phòng và hỏi cả từng bệnh nhân nhưng không ai có vợ tên là Mai cả. Đợi đến mấy ngày sau, chị Hạnh và mọi người cũng không thấy người phụ nữ kia quay lại thì mới tin mình đã bị lừa.
Tâm lý chung của người dân chúng ta là khi ở bệnh viện ai cũng hòa đồng và luôn giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng bọn tội phạm thì rất ma mãnh nên mọi người cần phải đề cao cảnh giác, phải tìm hiểu kỹ lưỡng, tường tận trước khi giúp đỡ tiền bạc một ai đó để tránh lòng tốt lại bị kẻ gian lợi dụng.
DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin