Vay mượn tiền trong các giao dịch dân sự là hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội. Điều cần lưu ý là nếu người vay không tìm hiểu kỹ thì nguy cơ rơi vào “tín dụng đen” với những khoản lãi “cắt cổ”, còn bên cho vay tùy theo mức độ vi phạm pháp luật sẽ có hướng xử lý cụ thể, nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
![]() |
Thời gian qua các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”. |
“Alo là có”
Thời gian gần đây, việc rải tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp diễn ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ sập bẫy “tín dụng đen”. Các tờ rơi vương vãi trên đường, dán trên cột điện, tường nhà với nội dung na ná như: cho vay tiền góp không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, nhằm thu hút những người có nhu cầu vay vốn nhanh chóng chỉ cần…
alo là có.
Hình thức phổ biến là mức lãi suất theo ngày từ 1-2%, tương đương 365-730 %/năm. Đầu tháng 10/2024, anh L.M.D. (ngụ phường Long Châu, tỉnh Vĩnh Long) đến cơ quan công an tố giác hành vi cho vay nặng lãi của Đỗ Công Nên (SN 2002, ngụ TP Hà Nội).
Anh D. trình bày, anh nhiều lần vay của Nên tổng cộng 360 triệu đồng, buộc trả lãi mỗi ngày. “Mượn đầu này đắp đầu kia” khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, dù chỉ còn nợ 70 triệu đồng vẫn phải chịu lãi suất hơn 1,6 triệu đồng/ngày. Được biết, Nên từ TP Hà Nội đến TP Cần Thơ thuê chỗ ở rồi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long hành nghề cho vay.
Những người có nhu cầu liên hệ với Nên thông qua các tờ rơi rải ngoài đường. Việc đi lại “di động” của Nên nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng và dễ dàng thực hiện hành vi trái phép.
Hệ lụy nghiêm trọng
Chị H. (ngụ xã Trung Thành, tỉnh Vĩnh Long) cần tiền kinh doanh, trả nợ, do quá gấp gáp không thể tiếp cận nguồn tiền từ ngân hàng, chị liên hệ bạn bè, người thân giúp đỡ. Dù đã rất cẩn thận và “nhờ bạn bè cho chắc”, chị H. vẫn phải trả lãi lên đến 144 %/năm.
Chị H. kể: Tôi vay của bạn là T.T.N.N. 250 triệu đồng, lãi suất 2.000 đ/1 triệu đồng/ngày. Cứ ngỡ hết nợ, nào ngờ vừa trả xong nợ cũ thì nợ mới lại đến, khoản vay lớn cùng với lãi suất quá cao khiến tôi càng thêm khó khăn. Để kéo dài thời gian trả nợ, chúng tôi thỏa thuận nâng lãi suất lên 4.000 đ/1 triệu đồng/ngày, tương đương 144 %/năm.
Mức lãi suất này vượt quá 5 lần so với mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự giúp N. thu lợi bất chính hơn 97 triệu đồng. Cơ quan công an tiến hành điều tra vụ việc, N. bị khởi tố tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và bị tòa án phạt 50 triệu đồng (mức thấp nhất của khung hình phạt), đồng thời phải nộp toàn bộ tiền gốc và lãi sung công quỹ Nhà nước, trả lại tiền đã thu lợi bất chính từ chị H..
Hoạt động cho vay lãi nặng hay còn gọi là “tín dụng đen”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người vay mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Nhiều trường hợp người vay không có khả năng trả nợ đã bị các đối tượng cho vay sử dụng biện pháp đe dọa, hành hung, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Hành vi của các đối tượng không chỉ gây nguy hiểm cho xã hội mà còn lợi dụng người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để giải quyết công việc trong cuộc sống. Họ thông qua một giao dịch dân sự để buộc những người khó khăn về tài chính phải chịu một mức lãi suất cao vượt mức quy định của Nhà nước là hành vi trái pháp luật, làm nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng thậm chí phải bán tài sản, nhà cửa để trả nợ. Qua đó, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ của Nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng trên, cần tăng cường công tác quản lý về quảng cáo “tín dụng đen”, Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 8/8/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Long về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Cùng với đó là sự tham gia tích cực liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của các tổ chức đoàn thể, Nhân dân tham gia tháo gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo dán, treo trên tường, trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông, cây xanh, nơi công cộng có nội dung liên quan đến cho vay, cầm đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự ATGT, an toàn xã hội.
Cơ quan công an và ngành chức năng khuyến cáo người dân tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen” cần lưu ý và cảnh giác với các hình thức cho vay không rõ ràng. Không nên vay tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo không rõ nguồn gốc hoặc các tổ chức tài chính không được cấp phép.
Nếu thật sự có nhu cầu thì tìm hiểu kỹ trước khi vay và nên đến các tổ chức tín dụng uy tín, được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước. Phát huy vai trò công dân trong công tác đấu tranh tội phạm, nên báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi rải tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi hoặc có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin