Nâng cao sức “đề kháng” với tội phạm mạng

16:43, 17/07/2025

Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có tội phạm mạng (công nghệ cao) diễn biến phức tạp, cùng với công tác điều tra, xử lý thì việc tuyên truyền đã được các ngành, địa phương thường xuyên triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, từng bước nâng cao sức “đề kháng” cho người dân với loại tội phạm này.

Công tác tuyên truyền góp phần rất lớn trong việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với các loại tội phạm.
Công tác tuyên truyền góp phần rất lớn trong việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với các loại tội phạm.

Lừa đảo tinh vi, phức tạp

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hình thức lừa đảo lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử. Đặc biệt là lừa đảo CĐTS công nghệ cao (CNC) trên không gian mạng (KGM) diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn, kêu gọi đầu tư, giả mạo ngân hàng để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền,…

Ông T.V.N. (xã Trung Ngãi) cho biết thường xuyên nhận được cuộc gọi từ các số máy lạ, thời điểm chủ yếu là buổi trưa và chiều tối. “Vừa qua tôi nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông nói tôi liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Gia Lai, yêu cầu tôi phải phối hợp điều tra, cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền”- ông N. kể, đồng thời cho biết thêm, ông chưa từng đến Gia Lai nên việc gây vụ tai nạn là điều không thể nào xảy ra. “Tôi nghe qua biết ngay lừa đảo và cũng khuyên mọi người nên cảnh giác với thủ đoạn này”- ông N. nói.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, tình hình lừa đảo trên KGM xảy ra với người dân, học sinh, sinh viên, kể cả cán bộ, công chức, viên chức bị lừa đảo CĐTS bằng những thủ đoạn không mới, hình thức đơn giản, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa quan tâm theo dõi, cập nhật, cũng như chia sẻ các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến trên KGM do cơ quan chức năng cảnh báo dẫn đến bị lừa đảo.

Bộ Công an ghi nhận tình trạng lừa đảo hiện nay không chỉ sử dụng các phương thức truyền thống mà còn tích hợp công nghệ mới như AI, deepfake và livestream trên mạng xã hội. “Con mồi” các đối tượng nhắm đến thường là người cao tuổi hoặc phụ huynh học sinh thiếu cảnh giác. Các vụ việc phần lớn do đối tượng ở nước ngoài thực hiện, khiến việc điều tra, xử lý gặp không ít khó khăn.

Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo CĐTS, nhất là tội phạm lừa đảo CĐTS sử dụng CNC, trên KGM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 139. Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn Nhân dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo.

Nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo CĐTS và mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, qua 6 tháng triển khai Công điện số 139, tình hình tội phạm lừa đảo CĐTS sử dụng CNC, trên KGM trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đã phát hiện 4 vụ, giảm 11 vụ so cùng thời điểm của năm 2024.

Tuy giảm nhưng có vụ lại bị chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng, phương thức, thủ đoạn phổ biến là giả danh công an, viện kiểm sát để đe dọa, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền “phục vụ điều tra”, giả nhận làm giấy tờ, chuyển tiền mua hàng online nhưng không nhận được hàng,...

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 139 của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Vĩnh Long đã chủ động triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm sử dụng CNC, đặc biệt nhắm đến các đối tượng học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng CNC (Công an tỉnh) thường xuyên phối hợp với Phân hiệu ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền pháp luật và kỹ năng sử dụng KGM an toàn, văn minh.

Theo anh Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, thời gian gần đây, tội phạm sử dụng CNC để lừa đảo CĐTS diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng KGM để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó, sinh viên là một trong những đối tượng mà tội phạm này hướng đến. Vì thế, chương trình nhằm phổ biến kiến thức, giúp sinh viên nhận diện, nâng cao cảnh giác và phòng, chống tội phạm nói chung cũng nhưng tội phạm liên quan đến KGM nói riêng.

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo CĐTS sử dụng CNC, trên KGM, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… tập trung phổ biến các phương thức, thủ đoạn tội phạm.

Công an tỉnh khuyến cáo người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP. Hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tăng cường bảo mật tài khoản, xác minh lại thông tin từ các nguồn chính thống. Đồng thời, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức pháp luật, sử dụng mạng xã hội đúng mực và có trách nhiệm.

Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương nắm tình hình, quản lý đối tượng có biểu hiện hoạt động lừa đảo CĐTS để tập trung đấu tranh, xử lý. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố và nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án lừa đảo trên KGM nhằm răn đe, giáo dục chung.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 phối hợp cơ quan công an, các đơn vị có liên quan trong công tác xác minh, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch để kịp thời ngăn chặn việc rút, chuyển tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chủ động phát hiện, trao đổi thông tin cho cơ quan công an về tài khoản thanh toán, ví điện tử có giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo CĐTS.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh