Chiếm giữ tiền chuyển nhầm vào tài khoản là vi phạm pháp luật

14:20, 08/07/2025

Chuyển tiền online hiện nay đang rất phổ biến và tình trạng chuyển tiền nhầm là tình huống khó tránh khỏi. Đối với người nhận tiền chuyển nhầm cũng cần có nghĩa vụ hoàn trả, nếu cố tình không thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xài tiền chuyển nhầm, bị khởi tố

Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Tháp) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Ngụy Ý (SN 1997, ngụ xã Nhơn Phú, tỉnh Vĩnh Long) là điển hình cho hậu quả của lòng tham và bất chấp pháp luật. Tài khoản ngân hàng nhận được 100 triệu đồng do người khác chuyển nhầm, thay vì tìm cách trả lại, Ý chuyển tiền sang một tài khoản khác do mình đứng tên rồi dùng vào việc tiêu xài cá nhân.

Tình huống chuyển nhầm xảy ra từ giữa tháng 11/2024, mặc dù chủ nhân số tiền trên nhiều lần liên hệ tìm cách giải quyết, phía ngân hàng và cơ quan công an cũng mời làm việc nhưng Ý nhất quyết không hoàn trả. Diễn biến sự việc và hành vi này của Ý đã đủ căn cứ xử lý theo Điều 176 Bộ luật Hình sự, do vậy Công an tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện các biện pháp tiếp theo nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng các bên liên quan.

Theo Bộ Công an, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, tại Điều 579 Bộ luật Dân sự quy định, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”.

Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “chuyển tiền nhầm”

Ngoài những trường hợp do sơ suất, nhầm lẫn chuyển tiền nhầm nói trên, thực tế, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Với kịch bản cho vay nặng lãi, đối tượng cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản với lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay.

Đánh vào tâm lý người nhận tiền nhầm là không hiểu số tiền này từ đâu mà có, ai cảnh giác thì gọi ngân hàng xác minh nhưng cũng có trường hợp sử dụng vào mục đích cá nhân với suy nghĩ “tiền trong tài khoản mình là… của mình và cứ tiêu xài tùy ý”. Lúc này, những kẻ lừa đảo mới bắt đầu giở trò. Khi bị hại nhận được số tiền, đối tượng sẽ giả danh người thu hồi nợ, dọa nạt và yêu cầu trả lại số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cắt cổ.

Ở một “kịch bản” khác, đối tượng chiếm đoạt tài sản của người bị hại thông qua link giả. Bằng cách chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ xin nhận lại nhưng vì đang ở nước ngoài, để trả lại số tiền trên thì người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link.

Sau khi điền xong thông tin, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người nhận sẽ bị chiếm đoạt. Một thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả có giao diện giống ngân hàng rồi tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm.

 
Chuyển tiền nhầm có thể lấy lại nhưng mất khá nhiều thời gian và thủ tục pháp lý phức tạp. Do vậy, các ngân hàng khuyến cáo người dân nên ưu tiên chuyển qua mã QR code vì giúp giảm thiểu rủi ro nhập sai số tài khoản, tên ngân hàng. Cần kiểm tra sau khi nhập ngân hàng, số tài khoản. Trước khi xác nhận thanh toán cần kiểm tra kỹ lại các thông tin số tài khoản, tên ngân hàng, tên người nhận, số tiền chuyển. Song song đó, cần lưu danh sách người hưởng thụ là những người bạn hay chuyển khoản và khi chuyển số tiền lớn nên ra ngân hàng để thực hiện.

Có thể thấy, kịch bản lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng rất đa dạng, ngày càng tinh vi, đánh vào lòng tốt và sự nhẹ dạ, cả tin của bị hại. Theo các chuyên gia pháp lý, bên cạnh hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người nhận tiền chuyển nhầm, trường hợp việc chuyển tiền vào tài khoản người khác với mục đích lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh