Từ trước đến nay, nhiều nghệ sĩ khi bị phản ứng về quảng cáo sai lệch thường chọn cách “xin lỗi”, “rút video”, hoặc tuyên bố “không kiểm soát được thông tin từ đối tác”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nay đã xác định rõ rằng: đã quảng cáo là có trách nhiệm pháp lý.
Hàng loạt người nổi tiếng bị xử phạt
Ngày 19/5, Bộ Công an chính thức khởi tố và bắt tạm giam Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên để điều tra về hành vi “lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Trước đó, cô từng là gương mặt được hàng triệu người tin tưởng với hình ảnh của một hoa hậu có tri thức, hành động vì cộng đồng.
Vụ án liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty cổ phần Chị Em Rọt sản xuất, phân phối. Thùy Tiên là cổ đông góp 30% vốn, đồng thời trực tiếp tham gia truyền thông, quảng bá sản phẩm qua các video, livestream cùng YouTuber Quang Linh Vlogs và TikToker Hằng Du Mục. Những nội dung quảng cáo nhấn mạnh kẹo Kera là sản phẩm “thiên nhiên”, “ăn được cho trẻ em, bà bầu”, “bổ sung chất xơ như rau xanh”, phù hợp cho người hiện đại “không có thời gian ăn rau”.
![]() |
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an |
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra và giám định, sản phẩm này không rõ nguồn gốc nguyên liệu, không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, và chưa có cơ sở khoa học chứng minh công dụng như đã quảng cáo. Từ tháng 3/2025, Thùy Tiên đã bị tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra. Việc khởi tố và bắt tạm giam cô gây chấn động dư luận – đánh dấu lần hiếm hoi một người nổi tiếng vướng vòng lao lý vì sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm.
Trước đó, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cũng đã bị khởi tố trong vụ án liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera. Cả hai từng xuất hiện dày đặc trong các video quảng bá sản phẩm, vào vai những người “đồng hành phát triển”, tham gia các phân cảnh từ vườn rau đến dây chuyền sản xuất, góp phần tạo dựng hình ảnh một sản phẩm "thiên nhiên", an toàn và có công dụng vượt trội. Cơ quan điều tra xác định họ không chỉ quảng cáo sai sự thật mà còn cùng góp vốn, hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn. Việc khởi tố hai cá nhân này cho thấy cơ quan chức năng không còn “nương tay” với những người có ảnh hưởng lớn nhưng sử dụng uy tín cá nhân để tiếp tay cho hành vi gian dối thương mại.
Trong vòng một năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã liên tiếp công bố quyết định xử phạt nhiều nghệ sĩ, KOLs, MC nổi tiếng do vi phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Đầu năm 2025, MC Vân Hugo bị xử phạt 70 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật về sản phẩm sữa Hiup 27, gây hiểu nhầm về công dụng “tăng chiều cao thần tốc”, sử dụng hình ảnh bác sĩ và tuyên bố thiếu căn cứ.
MC Quang Minh – người dẫn nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng – cũng bị xử phạt 37,5 triệu đồng vì quảng bá sai quy định về sản phẩm cùng loại. Quảng cáo sử dụng hình ảnh chuyên gia, nội dung “cường điệu hóa” công dụng mà không có tài liệu chứng minh, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Từ trước đến nay, nhiều nghệ sĩ khi bị phản ứng về quảng cáo sai lệch thường chọn cách “xin lỗi”, “rút video”, hoặc tuyên bố “không kiểm soát được thông tin từ đối tác”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nay đã xác định rõ rằng: đã quảng cáo là có trách nhiệm pháp lý – đặc biệt với những người có sức ảnh hưởng lớn, có thể dẫn dắt hành vi tiêu dùng của công chúng.
Sự nổi tiếng không thể là lá chắn pháp lý
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng, chất lượng, xuất xứ hoặc nội dung chưa được kiểm chứng có thể bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức xử phạt tương ứng là từ 120 triệu đến 160 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc gỡ bỏ nội dung quảng cáo, cải chính thông tin và thu hồi sản phẩm vi phạm.
Trong trường hợp hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, tái phạm hoặc gây hậu quả lớn, người thực hiện có thể bị xử lý hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Quảng cáo gian dối”. Hình phạt áp dụng có thể là phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến quảng cáo trong thời hạn từ 1 đến 5 năm.
Hiện nay, Bộ VHTT&DL dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo trong Luật Quảng cáo (sửa đổi). Người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.
Phát biểu trước Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh không thể để người nổi tiếng trở thành công cụ lừa dối khách hàng vì lợi nhuận. Một nghệ sĩ có hàng triệu người theo dõi thì một lời nói của họ tương đương với cả chiến dịch quảng cáo lớn. Khi phát ngôn đi kèm sai lệch, hậu quả là rất khó kiểm soát, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe – đời sống.
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đề nghị nâng cao mức xử phạt hành chính đối với người nổi tiếng, KOLs quảng cáo sai sự thật, nhằm đảm bảo tính răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà cũng nhấn mạnh cần bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp và pháp lý của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo.
Tương tự, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề xuất cần có chế tài xử lý nghiêm đối với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Bà cũng kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế bồi thường khi người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.
Việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố được xem là bước chuyển mạnh mẽ trong cách cơ quan chức năng xử lý sai phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng. Đây không còn là câu chuyện xử lý hành chính thông thường, mà là thông điệp rõ ràng rằng: danh tiếng không miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
Việc góp vốn, truyền thông, đồng hành sản phẩm phải đi kèm trách nhiệm kiểm chứng thông tin, đặc biệt với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm. Không thể vì lợi nhuận hay “thiện chí hợp tác” mà bỏ qua tiêu chuẩn kiểm duyệt, quy định pháp luật, hay tệ hơn – làm ngơ trước cảnh báo từ cộng đồng.
Không chỉ từ phía cơ quan quản lý và nghệ sĩ, người tiêu dùng cũng cần thay đổi tư duy: không nên tin tuyệt đối vào lời quảng cáo của người nổi tiếng, thay vào đó cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, tìm hiểu nguồn gốc và xác thực công dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có quy trình pháp lý minh bạch trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, tránh “mượn danh” nghệ sĩ để hợp thức hóa sản phẩm chưa đủ điều kiện lưu hành.
Một môi trường truyền thông quảng cáo lành mạnh chỉ có thể hình thành khi tất cả các bên cùng nâng cao trách nhiệm: nghệ sĩ kiểm soát hình ảnh – doanh nghiệp tuân thủ pháp luật – người tiêu dùng cảnh giác – và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý vi phạm.
Theo Hà Phương/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin