(VLO) Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các đối tượng lừa đảo (LĐ) cũng gia tăng hoạt động. Gần đây, với thủ đoạn giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt, chúng đã chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều bị hại.
Lợi dụng công nghệ để lừa đảo
Theo Bộ Công an, thời gian qua, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm LĐ chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao giả danh các cơ quan tổ chức, truy cập được vào tài khoản người dân để chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, công nghệ sinh trắc học, đặc biệt là dấu vân tay và khuôn mặt đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phổ biến của các công nghệ này cũng mang đến những rắc rối nhất định, trở thành “mảnh đất” để các đối tượng LĐ lợi dụng.
Tình trạng sử dụng giả mạo giọng nói, gương mặt hay còn gọi là công nghệ Deepfake để LĐ gần đây đang có dấu hiệu gia tăng. Deepfake được tạo ra với mục đích phục vụ nhu cầu công nghệ cho con người đã bị một số thành phần sử dụng cho mục đích xấu như LĐ, giả mạo, bôi nhọ, tin giả.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin-TT) đã ghi nhận các báo cáo về những vụ LĐ bằng hình thức này từ năm 2022.
Theo đó, bọn LĐ sử dụng công nghệ để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói, bắt đầu từ việc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, bạn bè chủ tài khoản bị chiếm đoạt hoặc gọi điện trực tiếp tới bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền.
Thực tế, đó là video, hình ảnh hoặc âm thanh được tạo bằng trí tuệ nhân tạo, bắt chước ngoại hình hoặc giọng nói của con người. Tuy nhiên, nếu thận trọng người dùng vẫn hoàn toàn có thể nhận biết được.
Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã thường xuyên đưa ra khuyến cáo và đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác với loại tội phạm này. Để che lắp các lỗi nêu trên, các đối tượng thường tạo ra các video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét như bị tình trạng tín hiệu chập chờn.
Khi nhận được những cuộc gọi sử dụng công nghệ Deepfake, cần chú ý đến khẩu hình miệng thường không đồng bộ với lời nói, hiện lên các đồ vật kỹ thuật số trong hình ảnh, nhân vật nói liên tục và không chớp mắt, video nhấp nháy lạ thường, âm thanh hoặc video chất lượng thấp, màu da nhân vật thay đổi liên tục, chuyển động “giật cục” như một đoạn video lỗi, ánh sáng thay đổi liên tục từ khung hình này sang khung hình khác.
Nâng cao cảnh giác
Trước tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để LĐ chiếm đoạt tài sản của người dân, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, hiệu quả.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên- Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, gần đây nhiều vụ án nghiêm trọng về tội phạm sử dụng không gian mạng LĐ chiếm đoạt tài sản được lực lượng công an triệt phá.
Trước Tết Nguyên đán, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng LĐ sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ các cơ quan nhà nước gọi điện thoại hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 người. Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây LĐ quốc tế thông qua các ứng dụng đầu tư, tình yêu với số tiền chiếm đoạt 1.800 tỷ đồng.
Bộ Công an khuyến cáo người dân thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại.
Không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.
Nếu nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao LĐ chiếm đoạt tài sản thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Bộ Công an cũng cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
Tăng cường ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác, từ đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Song song đó là việc triển khai các phương án, mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Rà soát, vô hiệu hóa các trang web, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội LĐ chiếm đoạt tài sản.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin