(VLO) Những ngày đầu năm 2025, cùng với hiệu lực thi hành của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024, của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” là sự thay đổi đáng kể của diện mạo trật tự an toàn giao thông trên cả nước nói chung theo hướng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, vận động của các lực lượng chức năng nhằm làm cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của quy định mới thì nhà nhà, người người cũng nhắc nhở nhau phải chấp hành nghiêm hơn nữa quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Với một số người, làm điều đó không chỉ để bảo đảm sự an toàn của bản thân, người cùng tham gia giao thông mà còn vì “mức phạt mới đã tăng lên rất nhiều” so với trước đây - đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.
Người tham gia giao thông dễ dàng nhận thấy một số tình trạng phổ biến, như: xe máy phóng ào ào trên lề đường vào giờ cao điểm, chưa hết đèn đỏ đã chạy hoặc bóp kèn inh ỏi, ngang nhiên đi ngược chiều khi không thấy lực lượng Cảnh sát giao thông... đã hạn chế đáng kể, tạo tâm lý an tâm, an toàn hơn khi lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng toàn dân nhằm từng bước thích nghi, đưa quy định pháp luật mới vào thực tế đời sống thì cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều liên quan Nghị định trên.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, các tổ chức phản động và số đối tượng chống đối chính trị lợi dụng tình hình trên để tuyên truyền, bóp méo nội dung Nghị định 168, cho rằng “tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thưởng cho lực lượng Cảnh sát giao thông”, việc tăng mức phạt là “tận thu ngân sách”, “nướng dân đen trong lửa đỏ hung tàn”…
Chúng còn sử dụng nhiều hình ảnh, đoạn clip không rõ nguồn gốc, không liên quan đến sự việc để gán ghép, lừa phỉnh dẫn đến người xem dễ bị nhầm lẫn, tin vào nội dung do chúng dẫn dắt. Với những luận điệu trên chúng còn kêu gọi người dân, lái xe biểu tình, tham gia các hoạt động chống đối việc thực thi Nghị định 168 - đây cũng là âm mưu, thủ đoạn phổ biến của các phần tử phản động, chống đối nhằm phá hoại chính sách, pháp luật và quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta.
Ngoài ra, nhiều tài khoản mạng xã hội vì mục đích câu like, câu view, tăng tương tác đã bất chấp đúng sai, chia sẻ, đăng lại những thông tin không chuẩn xác gây phức tạp tình hình trên không gian mạng.
Chúng ta đều biết, việc ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội. Bất cứ chính sách, pháp luật nào sau khi ban hành cũng đều được kiểm chứng bởi thực tiễn để cho thấy sự phù hợp hay không của nó.
Nếu chính sách, pháp luật là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao, thời gian áp dụng lâu dài; ngược lại, cũng có những chính sách, pháp luật thời gian áp dụng ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn hoặc phải sửa đổi, bổ sung.
Điều đó cho thấy quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật là hết sức mềm dẻo, chú trọng phát huy dân chủ và hướng đến hiệu quả tích cực trong tổ chức thực hiện.
Là công dân Việt Nam cần nhận thức rõ, bên cạnh các quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, công dân còn có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ ANQG, TTATXH và chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46 Hiến pháp 2013).
Nếu Nghị định 168 thật sự có những quy định chưa phù hợp, người dân có thể phản ánh, góp ý một cách công khai, minh bạch thông qua chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, đại biểu Quốc hội…
Mỗi công dân cần thận trọng, tỉnh táo trước các nguồn tin liên quan Nghị định 168 chưa được kiểm chứng, nhất là trên không gian mạng, không để vì thiếu hiểu biết mà có những phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc bị lôi kéo vào những hoạt động có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, thậm chí vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước khi ban hành Nghị định 168 quy định tăng mức phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, chấn chỉnh tình trạng “nhờn luật”, xem thường quy định như hiện nay là đúng đắn và cần thiết.
Là công dân Việt Nam, hãy coi trọng pháp luật - tham gia giao thông đúng luật thì không ngại mức phạt có cao hay không. Chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông trước tiên là vì sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của bản thân và người thân của chính chúng ta.
MỸ NHÂN (Công an Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin