Hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu và vạch kẻ đường cũng có vai trò không nhỏ hỗ trợ người dân tuân thủ và chấp hành quy định trong tham gia giao thông. Tuy nhiên, hơn hết vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người dân.
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM:
PV: Ông có thể cho biết tình trạng hạ tầng giao thông, cũng như hệ thống biển báo, vạch kẻ đường hiện nay trên các tuyến đường thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh?
Ảnh minh hoạ |
Ông Nguyễn Thành Lợi: Đối với hạ tầng giao thông, cũng như hệ thống biển báo và vạch kẻ đường trên các tuyến đường ở địa bàn thành phố, theo khảo sát và đánh giá của Ban An toàn giao thông, hiện nay các ngành chức năng đã thực hiện rất nghiêm túc, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và các quy chuẩn quốc gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ngành chức năng chuyên môn thường xuyên rà soát, khảo sát để phát hiện những bất cập, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quy tắc lưu thông an toàn.
Tuy nhiên, qua ghi nhận phản ánh từ người dân và dư luận thông qua báo chí, vẫn còn một số ý kiến cho rằng có những điểm cần được xem xét thêm để đảm bảo mức độ hợp lý. Dù vậy, nếu nhận định rằng hạ tầng còn nhiều bất cập, hoặc hệ thống biển báo, vạch kẻ đường không phù hợp dẫn đến người dân dễ bị xử lý oan, thì theo tôi, đây chỉ là những ý kiến cá biệt và mang tính chủ quan của một số cá nhân.
Thực tế, hệ thống hạ tầng hiện nay, bao gồm biển báo và vạch kẻ đường chỉ dẫn giao thông, đều đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật và phù hợp với các quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này
Ảnh minh họa |
PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành và triển khai Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ mới, cũng như Nghị định 168 về việc tăng mức xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, diễn ra quá nhanh khiến người dân chưa kịp nắm bắt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thành Lợi: Việc chấp hành của người dân đối với các quy định pháp luật, bất kể là quy định nào, khi triển khai vào thực tế cũng sẽ có độ trễ nhất định.
Sự tiếp nhận của người dân có thể không đạt được như mong muốn ban đầu của họ. Tuy nhiên, để chấp hành tốt, trước tiên đòi hỏi ý thức chủ quan của mỗi cá nhân. Quy định pháp luật là những quy tắc xử sự chung, bắt buộc mọi người phải tuân thủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, hướng đến một xã hội có trật tự và kỷ cương.
Việc chấp hành các quy định pháp luật đòi hỏi mỗi người phải có ý thức tuân thủ và thực hiện. Để tuân thủ tốt, trước tiên cần hiểu và nắm rõ các quy định.
Vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ, cũng như các quy định trong Nghị định 168 liên quan đến chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Những nội dung này đã được phổ biến cụ thể đến người dân, chứ không có sự thiếu sót trong chương trình giáo dục pháp luật hay tuyên truyền.
Việc tăng cường chế tài xử phạt không nhằm mục đích gây khó khăn cho người dân, mà để giáo dục, răn đe, giúp hình thành các hành vi tốt, thói quen tốt và xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh.
Mục đích cuối cùng là hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Ý thức an toàn và tham gia giao thông có văn hóa không chỉ bảo vệ bản thân, mà còn bảo vệ những người xung quanh và cộng đồng.
PV: Những ngày qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện tình trạng kẹt xe trên không ít tuyến đường, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Nguyên nhân được cho là do các phương tiện không được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Lợi: Về vấn đề quy định không được rẽ phải khi đèn đỏ, đây là quy định của pháp luật và không phải là quy định mới. Theo luật, khi đèn giao thông không cho phép đi, tức là khi đèn đỏ, tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông đều phải dừng lại. Quy định này đã được áp dụng từ lâu.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố, do áp lực giao thông đô thị rất lớn, tại một số giao lộ, ngành giao thông đã chủ động cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ thông qua các biển báo phụ, đèn báo hiệu, hoặc sự chỉ dẫn của lực lượng điều khiển giao thông tại khu vực đó.
Ngoài những trường hợp được phép này, theo quy định chung của pháp luật, khi đèn đỏ, tất cả các phương tiện đều phải dừng lại. Quy định này cũng đã được các địa phương khác thực hiện rất nghiêm túc và cụ thể.
Tại thành phố của chúng ta, việc rẽ phải khi đèn đỏ từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người. Vì vậy, khi yêu cầu thực hiện đúng theo quy định pháp luật, một số người dân có phản ứng. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đang thực hiện đúng quy định pháp luật.
Pháp luật là không thể thay đổi, mà hành vi của người tham gia giao thông mới cần thay đổi để tuân thủ đúng quy định của Pháp luật. Việc chấp hành quy định không rẽ phải khi đèn đỏ cũng góp phần thể hiện trật tự trong giao thông.
Trước đây, việc chạy xe gắn máy lên vỉa hè khi mật độ phương tiện đông đúc hoặc lưu thông chậm là một hành vi vi phạm phổ biến.
Hiện nay, chế tài xử lý các hành vi này đã được tăng nặng, sẽ khiến người dân dần tự điều chỉnh hành vi của mình. Chúng ta có thể thấy rằng, dù mặt đường có đông đúc, nếu người dân lưu thông có trật tự và tuân thủ các quy tắc giao thông an toàn, việc lưu thông vẫn có thể được đảm bảo.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.
Theo Nguyễn Sử/VOV Giao thông
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin