(VLO) Luật Trật tự ATGT đường bộ và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, cùng hàng loạt quy định mới về giao thông sẽ có hiệu lực. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng hướng tới nền giao thông an toàn và xây dựng văn hóa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Một trong những văn bản đáng lưu ý nhất là Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, một số hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ có mức phạt tăng cao so với trước, trong đó có những lỗi sẽ tăng gấp 36-50 lần. Một số mức phạt tăng cao: Tài xế ô tô vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng); tài xế xe mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt cũ là 800.000-1 triệu đồng); tài xế ô tô đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” bị phạt 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng); tài xế xe máy đi ngược chiều bị phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ là 1-2 triệu đồng); tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100ml máu sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng; tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 mg/lít khí thở hoặc vượt quá 80 mg/100ml máu sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng; lùi xe trên cao tốc phạt từ 30-40 triệu đồng…
Theo thống kê, ngay trong ngày đầu áp dụng, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện xử lý hơn 13.500 trường hợp và phạt tiền gần 28 tỷ đồng vi phạm giao thông. Có một thực tế không ít người vi phạm bỏ lại phương tiện vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp.
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định số 168” do Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức ngày 7/1, Đại tá Nguyễn Quang Nhật- Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông- Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, thời gian qua khi xử phạt nồng độ cồn với mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe đã xuất hiện tình trạng nhiều người vi phạm không đến giải quyết.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm, khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi, trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ không đến xử lý thì sẽ không có giấy phép lái xe, sẽ không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.
Được biết, theo quy định của Luật Trật tự ATGT đường bộ, từ ngày 1/1/2025, người vi phạm trật tự ATGT đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc nộp phạt vi phạm hành chính, thì sẽ chưa được cấp, đổi, cấp lại bằng lái xe.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin