(VLO) Việc cho vay tiền mà không làm biên nhận là một vấn đề khá phổ biến trong các mối quan hệ xã hội, nhất là trong các trường hợp giữa người thân, bạn bè hay đối tác tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, tình trạng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và khó khăn trong việc giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh.
Về mặc pháp lý, khi cho vay tiền mà không có biên nhận hay bất kỳ giấy tờ xác nhận nào, người cho vay sẽ không có bằng chứng hợp pháp chứng minh khoản tiền đã cho vay.
Điều này rất khó khăn trong việc kiện tụng nếu người vay không hoàn trả đúng hạn. Theo quy định của pháp luật, để chứng minh một khoản nợ, người cho vay cần có chứng cứ như hợp đồng vay, giấy biên nhận hoặc các bằng chứng khác (tin nhắn, email, ghi âm cuộc gọi,…) xác thực việc cho vay. Không có biên nhận có thể khiến tòa án khó thụ lý và giải quyết vụ kiện vì thiếu căn cứ.
Một số trường hợp, ngay cả khi có chứng cứ không chính thức như tin nhắn, ghi âm, tòa án vẫn có thể xem xét, nhưng điều này phụ thuộc vào sự đánh giá của tòa và không phải lúc nào cũng thành công.
Khó khăn trong việc thu hồi nợ, người vay nếu cố tình trốn tránh trách nhiệm, người cho vay sẽ rất khó khăn để đòi lại tiền khi không có giấy tờ làm bằng chứng.
Nếu không có sự thống nhất giữa hai bên, người cho vay sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục hoặc chứng minh rằng họ đã cho vay khoản tiền đó.
Trong trường hợp phải nhờ đến cơ quan pháp lý hoặc tòa án, quá trình này thường mất nhiều thời gian và có thể gây áp lực tâm lý cho cả hai bên. Việc không có giấy tờ vay nợ cụ thể sẽ làm sự việc càng phức tạp thêm.
Thời gian qua, ngành tòa án tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý nhiều vụ việc tương tự, với số tiền tranh chấp hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Như vụ tranh chấp của chị N.T.T.H. (huyện Vũng Liêm) vừa được TAND huyện Vũng Liêm thụ lý giải quyết theo trình tự sơ thẩm. Chị H. là nguyên đơn kiện bà P.H.L. ra tòa đòi 313 triệu đồng.
Số tiền này, chị H. cho biết đã cho bà L. mượn từ năm 2022, do chỗ quen biết tin tưởng nên 2 người không làm biên nhận. Đến hạn trả, bà L. tìm đủ mọi cách trì hoãn.
Lo sợ số tiền lớn khó có thể thu hồi, chị H. ghi âm lại những cuộc trao đổi với bà L., nhờ đó có được bằng chứng thuyết phục làm căn cứ đòi lại số tiền lớn.
Tại tòa, bà L. một mực khẳng định không vay tiền của chị H., cũng không đồng ý cung cấp giọng nói để giám định với giọng nói trong đoạn ghi âm.
Từ đó, tòa căn cứ vào tình tiết này và các chứng cứ khác để xác định yêu cầu khởi kiện của chị H. được chấp nhận. Do vậy, tòa buộc bà L. phải trả cho chị H. 313 triệu đồng, cùng với khoản tiền lãi hơn 60 triệu đồng, theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Có thể thấy, từ những tranh chấp như trên đã tác động đến mối quan hệ cá nhân, khi không có biên nhận, người cho vay và người vay dễ rơi vào tình trạng không rõ ràng, thiếu minh bạch. Nếu xảy ra tranh chấp dễ dẫn đến hiểu lầm và mất niềm tin giữa hai bên, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ cá nhân.
Đặc biệt trong trường hợp giữa người thân, bạn bè, việc mâu thuẫn tài chính có thể gây ra những rạn nứt tình cảm, vì có thể cả hai bên đều không muốn làm tổn thương nhau nhưng lại khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp.
Theo các chuyên gia pháp lý, để tránh rủi ro, dù cho vay với người thân, bạn bè hay đối tác, người cho vay nên có biên nhận hoặc hợp đồng vay tiền.
Nếu người vay ngần ngại, người cho vay có thể giải thích rằng đây chỉ là thủ tục để tránh hiểu lầm và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Nếu đã cho vay mà không có biên nhận, người cho vay nên lưu giữ mọi bằng chứng khác như tin nhắn, cuộc gọi, trao đổi qua mạng xã hội,… để có cơ sở trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, nên hạn chế việc cho vay không giấy tờ, đặc biệt khi khoản vay lớn hoặc với người không quá thân thiết, để đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân.
Vì vậy, dù là vay mượn giữa những người tin tưởng nhau, các bên vẫn nên thiết lập các giấy tờ vay nợ để đảm bảo quyền lợi và tránh những hệ lụy pháp lý, cũng như giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin