Đòi nợ không thành, các đối tượng chuyển sang “phương án” đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần “con nợ” nhằm đạt được mục đích, dẫn đến hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Cưỡng đoạt tài sản là một trong những tội phạm nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, được quy định cụ thể tại Điều 170. Tội này diễn ra khi một người đe dọa sử dụng vũ lực hoặc áp dụng các thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần của người khác với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nếu chủ nợ thất bại trong việc đòi nợ và sử dụng các hành vi như đe dọa hoặc bạo lực để lấy lại tài sản, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù từ 1-20 năm tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền (SN 1978, ngụ xã Long Phước, huyện Long Hồ) vừa được TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên giảm từ 1 năm 3 tháng tù giam còn 1 năm 3 tháng tù treo do được hưởng những tình tiết giảm nhẹ như: thể hiện được sự ăn năn hối cải, phạm tội nhất thời và bị hại cũng có một phần lỗi. Theo cáo trạng, bị hại là chị B.T.M.L. thiếu Tuyền 250 triệu đồng sau nhiều lần mượn trước đó. Mặc dù chị L. hứa trả Tuyền mỗi ngày 200.000đ nhưng không thực hiện, Tuyền cùng con gái là Võ Nguyễn Anh Đào đến nơi ở của chị L. đòi thì xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau.
Sau đó, Tuyền kêu con gái lấy xe của chị L. đem đến một bãi giữ xe gửi, còn Tuyền thì lấy giấy tờ xe của chị L. đem về nhà. Mặc dù nhận ra được sai lầm và nhanh chóng đến cơ quan công an đầu thú, giao nộp các tài sản đã lấy nhưng với hành vi này, Tuyền và Đào cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Cưỡng đoạt tài sản” và lần lượt bị TAND huyện Long Hồ tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù giam và 1 năm tù treo. Sau đó, Tuyền kháng cáo và được TAND tỉnh xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Có thể thấy, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Công an huyện Tam Bình cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Đức Nhân (SN 1984) và Thạch Thanh Toàn (SN 2002, cùng ngụ xã Tân Lộc, huyện Tam Bình) do có hành vi cưỡng đoạt tài sản với mục đích trừ nợ. Bị hại là anh A. (SN 1986, ngụ cùng địa phương) có thiếu Nhân một số tiền.
Ngày 20/8/2024, Nhân cùng với Toàn đến nhà anh A. đòi nợ thì xảy ra mâu thuẫn. Không đạt được mục đích, Nhân nảy sinh ý định lấy xe máy của anh A., còn Toàn thì rút dao đe dọa. Nhận thức được hành vi sai trái, Toàn đến cơ quan công an đầu thú, giao nộp hung khí và khai ra toàn bộ quá trình phạm tội.
Thực tế, có nhiều vụ án đã xảy ra mà người cho vay đã trở thành bị cáo vì áp dụng các biện pháp cưỡng đoạt tài sản. Điều này cho thấy ranh giới giữa việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp và hành vi phạm tội có thể rất mong manh, nếu người cho vay mượn không nắm rõ các quy định pháp luật mà còn có cách hành xử theo cảm xúc. Tương tự, trong các vụ đòi nợ, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa có thể dễ dàng kéo theo trách nhiệm hình sự nghiêm trọng, làm cho chủ nợ từ người bị xâm phạm lợi ích trở thành kẻ vi phạm pháp luật.
Do vậy, để tránh trường hợp tương tự, người dân cần sáng suốt lựa chọn cách giải quyết phù hợp thông qua thỏa thuận, nhờ chính quyền địa phương hòa giải hoặc làm đơn gửi đến các cơ quan tố tụng để có thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo đúng quy định pháp luật, tránh tình huống vì nóng vội, tức giận mà có những hành động thiếu kiềm chế để vướng vào lao lý.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin