(VLO) Lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) với mục đích đảm bảo việc trả nợ vay nhưng do không am hiểu quy định của pháp luật đã đẩy đôi bên vào hoàn cảnh tranh chấp kéo dài.
Vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và yêu cầu công nhận QSDĐ giữa nguyên đơn là bà L.T.T. (ngụ huyện Bình Tân) và anh N.P.V. (ngụ TX Bình Minh).
Theo bà T., tháng 4/2022, bà thế chấp cho anh V. thửa đất diện tích hơn 1.000m² để vay 400 triệu đồng (dạng cầm cố nhưng lập hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo việc trả tiền).
Sau khi bà T. trả lãi được 4 tháng, anh V. gợi ý bà chuyển nhượng toàn bộ thửa đất trên cho anh nhưng bà chỉ đồng ý chuyển nhượng 350m² với giá 800 triệu đồng.
Sau khi thỏa thuận, anh V. đưa thêm cho bà T. 250 triệu đồng, còn lại 150 triệu đồng anh cam kết khi nào hoàn thành thủ tục tách thửa, sang tên thì chuyển đủ.
Đến lúc này, anh V. tiếp tục đề nghị bà T. chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, sau khi đứng tên xong sẽ tách thửa trả lại bà diện tích quyền sử dụng còn lại là 742,4m².
Do anh V. rành thủ tục và cũng vì tin tưởng nên bà đồng ý. Đôi bên lập văn bản thỏa thuận nhưng sơ suất không ghi rõ thời gian. Tuy nhiên, sau khi được đứng tên trên chứng nhận QSDĐ, anh V. không thực hiện đúng cam kết tách thửa trả lại cho bà 742,4m² đất.
Từ đó, bà T. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Bình Tân yêu cầu xử lý theo hướng buộc anh V. thực hiện đúng văn bản thỏa thuận, bằng cách tách thửa trả lại 742,4m² đất.
Trong khi đó, nội dung trình bày của anh V. lại hoàn toàn trái ngược với bà T.. Bị đơn cho rằng, 400 triệu đồng mà anh đưa bà T. không phải tiền cho vay mà đó là tiền mua toàn bộ thửa đất.
Về văn bản thỏa thuận, anh V. nói có một số thông tin không hợp lý nên không đồng ý với yêu cầu của bà T.. Quá trình giải quyết tranh chấp, tòa căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và văn bản thỏa thuận để làm sáng tỏ sự việc.
Cụ thể, hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, anh V. nói nhận chuyển nhượng với giá 400 triệu đồng nhưng bà T. lại cho rằng đây là tiền vay và việc giao tiền không được công chứng viên làm chứng. Còn đối với văn bản thỏa thuận, bà T. vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày, cùng với ý kiến của người làm chứng cũng trùng khớp.
Từ đó, tòa nhận hợp đồng chuyển nhượng là có điều kiện. Cụ thể, sau khi anh V. được đứng tên QSDĐ thì tách thửa trả lại cho bà T. 742,4m² (sau khi trừ phần đất 350m² bà T. đã bán cho anh V.).
Qua 2 lần vay và nhận 650 triệu đồng, đôi bên không lập thành văn bản nhưng bà T. tự nguyện thừa nhận, được cấn trừ vào số tiền chuyển nhượng phần đất 350m² với giá 800 triệu đồng là có thật.
Với những chứng cứ này, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà T., tuyên vô hiệu hóa hợp đồng chuyển nhượng, buộc bà T. trả cho anh V. hơn 766 triệu đồng (bao gồm tiền vay và lãi phát sinh). Đồng thời, bà T. được đứng tên trên chứng nhận QSDĐ đối với toàn bộ thửa đất.
Qua vụ việc có thể thấy, do không am hiểu pháp luật nên đôi bên đã sử dụng hình thức làm hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo việc trả nợ vay, dẫn đến tranh chấp không đáng có kéo dài.
Đây cũng là tình huống hay xảy ra thời gian gần đây mà người dân cần tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin