Phòng chống gian lận thương mại vì quyền lợi của người tiêu dùng

14:42, 04/10/2024

(VLO) Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, mặc dù tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong tỉnh không mang tính chất nổi cộm, thường xuất hiện ở những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, song, còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng (NTD).

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Theo Cục QLTT tỉnh, từ đầu năm đến nay, hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo về nhãn và giả về giá trị sử dụng, công dụng trong tỉnh vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ.

Hàng hóa, lĩnh vực vi phạm chủ yếu như: thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, kính mắt, đồ trang trí nội thất, điện gia dụng, linh kiện điện thoại di động, quần áo may sẵn, phụ tùng xe gắn máy, xe đạp điện, mỹ phẩm.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường hàng hóa, cũng như phương thức kinh doanh trên nền tảng số tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận thương mại, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quản lý địa bàn phụ trách nhằm giữ bình ổn, lành mạnh hóa
thị trường.

Mới đây, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn phường Cái Vồn và phường Thành Phước (TX Bình Minh). Kết quả xử phạt 4 hộ kinh doanh mua bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Hàng hóa vi phạm là túi xách, giày, quần áo thời trang có tổng giá trị 460 triệu đồng, số tiền xử phạt gần 60 triệu đồng.

Qua công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh về mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện và phát hiện 9 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm hàng hóa không có dấu hợp quy và vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.

Vừa tiếp đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đức Tân- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Đức Tân (Phường 2, TP Vĩnh Long), cho hay: “Hiện nay xe đạp điện, gắn máy điện bị “hô biến” trên thị trường rất nhiều, nhiều trường hợp phụ tùng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được lắp ráp thành xe bán lại với giá rẻ, sau thời gian sử dụng ngắn không chỉ chất lượng giảm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng.

Để NTD an tâm sử dụng các sản phẩm xe điện, tôi luôn lấy hàng hóa ở công ty có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, các sản phẩm xe điện có dán tem hợp quy đầy đủ, đúng quy định, có hồ sơ chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật.

Hy vọng thông qua các đợt kiểm tra của ngành chức năng sẽ hạn chế được tình trạng xe kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của cơ sở kinh doanh chân chính và quyền lợi của NTD”.

Chủ động đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả

Xác định phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ lâu dài, bền vững, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại tham gia ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Để góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn phụ trách, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm nhãn hàng hóa, tập trung nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, hàng tiêu dùng… phòng ngừa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đặc biệt, triển khai thực hiện việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thông qua các nền tảng mạng xã hội nhằm chủ động ngăn ngừa, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng lòng tin khách hàng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng.

Theo ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: “Các đối tượng có hành vi như buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phần lớn kinh doanh theo hình thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ. Hơn nữa, một số đối tượng hiện nay còn lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu, buôn bán hàng hóa kém chất lượng, thậm chí một bộ phận còn không có cửa hàng, kho hàng cụ thể… điều này gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đối với NTD nên tự bảo vệ quyền lợi của chính mình thông qua việc nghiên cứu kỹ thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp trước khi mua hàng, không nên vì giá rẻ mà chọn mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; sau khi mua hàng phải lấy hóa đơn, chứng từ cần thiết để làm cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Nếu phát hiện dấu hiệu của các cá nhân, tổ chức mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, NTD cần thông tin sớm cho cơ quan chức năng để được kịp thời giải quyết theo quy định pháp luật”.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 65 vụ vi phạm nhãn hàng hóa, vi phạm 54 vụ, xử lý 51 vụ với 57 hành vi, phạt hành chính hơn 240 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 60 triệu đồng, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tang vật vi phạm trị giá hơn 965 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: THIỆN CHÍ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh